Thiên Đường Không Tuổi - Tình Yêu Có Màu Gì
Thiên Đường Không Tuổi - Tình Yêu Có Màu Gì
Trước năm 1975 sách báo dành cho lứa tuổi học trò chỉ đếm trên đầu ngón tay. Về báo có: Thiếu nhi, Ngàn thông, Tuổi ngọc. Do nhu cầu của thị trường không chỉ đòi hỏi về báo, nên song song với việc ra báo những người thực hiện tờ Ngàn thông đã chủ trương mở thêm tủ sách Tuổi hoa gồm ba loại: Hoa xanh, Hoa tím và Hoa đỏ.Những người làm tờ báo Tuổi ngọc chủ trương ra tủ sách Tuổi ngọc. Nhà xuất bản Đời Mới có tủ sách Trăm hoa dành cho lứa tuổi mới lớn, và tủ sách Tay ngà dành cho lứa tuổi thiếu nhi.
Sách báo dành cho lứa tuổi học trò ngày đó in với số lượng lớn, bán rất chạy tạo thành một dòng văn học riêng, quy tụ rất nhiều nhà văn tham gia viết sách, cộng tác với các tờ báo, và tủ sách dành cho lứa tuổi học trò. Bên cạnh những nhà văn tên tuổi khác, viết không chuyên cho lứa tuổi học trò, lúc đó đã hình thành một số nhà văn trẻ viết chuyên cho lứa tuổi này như: Từ Kế Tường, Mường Mán, Hoàng Ngọc Tuấn, Đinh Tiến Luyện, Đoàn Thạch Biền, Nguyễn Thị Minh Ngọc. Họ là sáu cái tên có mặt thường xuyên trên tờ tuần báo Tuổi ngọc và là tác giả của những đầu sách dành cho lứa tuổi học trò tạo thành hiện tượng của dòng văn học “tươi xanh”, được gọi bằng một cái tên quen thuộc là “Tuổi của những tháng năm đẹp nhất đời người”.
Sau năm 1975, trừ Đinh Tiến Luyện định cư nước ngoài, Hoàng Ngọc Tuấn mất, còn lại bốn nhà văn: Từ Kế Tường, Mường Mán, Đoàn Thạch Biền, Nguyễn Thị Minh Ngọc đều hoạt động trên lĩnh vực báo chí, xuất bản, phim ảnh, sân khấu... tiếp tục có những tác phẩm dành cho lứa tuổi học trò.
Tủ sách Thiên Đường Không Tuổi đã tạo cơ hội cho các cây bút Tuổi ngọc ngày xưa cùng hội ngộ bên nhau. Tủ sách tập hợp tác phẩm chọn lọc của sáu nhà văn: Anh Chi yêu dấu (Đinh Tiến Luyện), Tình yêu có màu gì (Từ Kế Tường), Cạn chén tình (Mường Mán), Ở một nơi ai cũng quen nhau (Hoàng Ngọc Tuấn), Đâu phải cái gì cũng mong manh (Đoàn Thạch Biền), Tuổi ngọc ngày chưa xưa (Nguyễn Thị Minh Ngọc).
Vì sao là Thiên Đường Không Tuổi? Bởi lẽ đời người chỉ có một, nhưng trải qua nhiều giai đoạn, tuổi nhỏ, mới lớn, trưởng thành, ra đời, trung niên và chạm ngưỡng tuổi già sống với hoài niệm. Ai cũng sẽ có lúc náo nức để trở về với những tháng năm đẹp nhất đời người, đó là vùng trời kỷ niệm, là Thiên Đường Không Tuổi.
Chủ đề tình yêu là chủ đề muôn thuở cho cả đời người, cho nhiều lứa tuổi và nhiều thế hệ, đặc biệt là lứa tuổi mới lớn và đang trưởng thành. Sáu nhà văn chuyên viết cho lứa tuổi vừa tuyệt đẹp, vừa không kém phần rắc rối, phức tạp này với mỗi người mỗi vẻ, mỗi giọng văn riêng đã định hình thương hiệu, sẽ đề cập, giải quyết câu chuyện tình yêu muôn thuở cho nhiều lứa tuổi, nhiều thế hệ từ ngày xưa, vẫn chưa xưa và hôm nay ra sao?
Bài toán quá khó, lời giải đáp không hề đơn giản. Và chỉ có một cách trả lời: Hãy đọc kỹ sáu tác phẩm của sáu tác giả, đích thực là sáu câu chuyện tình và câu trả lời thường ở trang cuối cùng.
Trích đoạn Nhắm mắt và mơ
Quả thật tôi không đủ sức ở lại trong căn chòi lá của chú Tư Vương để hình dung ra Tím đang phải ở bên kia sông, ngày ngày dang nắng, dầm mưa cắt cỏ mướn để nuôi lại ước mơ vào đại học của mình. Cô gái dễ thương, hồn nhiên trong sáng đến lạ kỳ trong một đêm trăng mà tôi bất ngờ gặp được và đã hát cho tôi nghe bài “Như cánh vạc bay” bằng giọng hát trong vắt, ngọt ngào như gáo nước mưa uống dọc đường quê trong cơn khát giữa trưa. Cô gái trẻ đẹp, hồn nhiên ấy lẽ ra phải được quyền nhắm mắt và mơ giấc mơ tuyệt đẹp của đời mình. Trái lại em đã giống như cánh vạc, và bây giờ, không lẽ “cánh vạc” ấy đã về chốn xa xôi?
Tôi nói mấy lời cáo từ chú Tư Vương, người cha tội nghiệp của Tím, bước như chạy ra khỏi căn chòi lá và đi thật nhanh về phía bờ kênh. Buổi chiều đã tắt hết nắng, cái màu chạng vạng, nhá nhem của bóng tối đang buông xuống cánh đồng. Đêm nay hình như tôi rất sợ bóng trăng lên, sợ luôn cả khi nghe tiếng cá quẫy dính câu.
- Từ Kế Tường
- NXB Văn Hóa - Văn Nghệ
Sản phẩm này chưa nhận được đánh giá nào. Bạn hãy là người đầu tiên đánh giá nhé!