Nguyễn Khắc Viện - Truyện Kiều Trong Văn Hóa Việt Nam
Điều gì đã khiến Truyện Kiều được đông dảo quần chúng biết đến và đã giành được vị trí đặc biệt đến thế trong nền văn học Việt Nam?
"Thôn ca sơ học tang ma ngữ... "
Nguyễn Du đã viết như thế trong một bài thơ. Đúng là ông đã sống nhiều năm ở thôn quê, gần gũi những người trồng lúa, trồng đay, trồng dâu. Ngôn ngữ Kiều khắc hoạ thanh thoát nhất truyền thống dân ca, mà giữ được nét uyển chuyển, tính hiện thực, sự phong phú về hình ảnh và màu sắc. Đâu phải ngẫu nhiên mà người dân ta, đàn ông cũng như đàn bà thuộc lòng nhiều đoạn Kiều dài. Và một số câu thơ Kiều cũng trở thành ca dao ngạn ngữ thông dụng.
Nhưng Kiều không phải là một tác phẩm dân gian. Nó là một tác phẩm văn chương lớn có thể xếp ngang tầm những kiệt tác của văn học thế giới, không cần ngần ngại. Nguyễn Du đã thể nhập được những kinh truyện Trung Quốc và Việt Nam và đạt đến khả năng tổng hợp hài hoà giữa ngôn ngữ dân gian và văn chương kinh điển. Truyện Kiều đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong lịch sử tiếng Việt: nó góp phần cho tiếng Việt giàu thêm, uyển chuyển thêm, để đạt tới mức chính xác, súc tích một cách đặc sắc. Ai cũng biết vì sao, tác phẩm tồn tại đến ngày nay, thành mẫu mực cho các nhà thơ nhà văn bắt chước. Bởi lẽ, hiếm thấy một tác giả có được những gam âm, màu sắc dồi dào và đa dạng đến như thế.
Có phong cách lãng mạn, Nguyễn Du biết ca ngợi cái đẹp của một cảnh trí, diễn tả một cách kì diệu sự xúc động xé lòng xé ruột của một trái tìm yêu đương, cùng những đau buồn, rầu rĩ, những thất vọng, những niềm vui chiến thắng, tóm lại là tất cả "những rung động trữ tình, những biến thái mộng mơ, những đột khởi của tâm thức" (chữ dùng của Baudelaire).
Có phong cách hiện thực, Nguyễn Du chỉ cần vài chữ, vài câu thơ là đã tóm thâu được nhân vật, thể hiện được một tính cách: một tên quan tham lam, một tên bịp gian giảo và láo xược, một mụ trùm lầu xanh, chúng đều bị vạch mặt không thương tiếc bằng một ngôn ngữ sắc cạnh, màu mè, gay gắt. Khá nhiều là những tên tuổi của một số nhân vật đã đi vào ngôn ngữ thông thường, trở thành những danh từ chung: một kẻ chuyên đi cám dỗ lường gạt phụ nữ được gọi là thằng Sở Khanh, cũng như trong tiếng Pháp, người ta gọi kẻ bủn xỉn là lão Hácpagông vậy...
- Nguyễn Thị Nhất
- Nguyễn Khắc Phê
- NXB Thanh Niên
Sản phẩm này chưa nhận được đánh giá nào. Bạn hãy là người đầu tiên đánh giá nhé!