Tủ Sách Tinh Hoa Văn Học - Khải Hoàn Môn
Tinh hoa văn học của nhân loại nào cũng cần được khám phá và tái khám phá. Mỗi tác phẩm lớn là một sự kỳ diệu và mỗi lần ta tìm đến là thực hiện những cuộc phiêu lưu hoan lạc. Đến với tác phẩm “Khải hoàn môn” là chúng ta đang bước vào cánh cửa thứ nhất của Tủ sách tinh hoa văn học - cánh cửa với những tác phẩm được dịch trọn vẹn và giới thiệu cả tác giả lẫn tác phẩm trong bối cảnh văn hoá những đặc điểm thiết yếu - cánh cửa Kiệt Tác.
1. Thông tin về tác phẩm:
Khải hoàn môn là tác phẩm chứa đựng ở mức tập trung nhất những đặc trưng của nghệ thuật hiện thực chủ nghĩa trong văn nghiệp của Erich Maria Remarque.
Khải hoàn môn là thiên tự sự hiện thực chủ nghĩa đầy cảm xúc và suy tư sâu sắc về thân phận của con người trong xã hội phương Tây hiện đại, với những cuộc chiến tranh đế quốc đẫm máu và những hậu quả có tính hủy hoại sâu xa đối với cơ cấu xã hội và đối với tâm hồn con người, cùng những tấn bi kịch và những cảnh sa đọa tiêu biểu của “Buổi hoàng hôn của Chư thần”, như tác giả thường gọi thời kì suy sụp của nền văn minh tư sản Tây Âu.
2. Thông tin về tác giả:
Erich Maria Remarque (1898 – 1970), sinh ra trong một gia đình bình dân tại Osnabrũck, miền Tây nước Đức. Từ nhỏ, Remarque luôn ngưỡng mô mẹ - bà Ana Maria, trong khi lại tỏ ra xa lánh cha – ông Peter Remarque.
Ông Peter Remarque bình sinh chỉ là người thợ đóng sách nghèo. Sự vất vả, túng bẩn của gia đình đã khiến cậu bé Remarque mới hơn mười tuổi đã phải tự kiếm sống bằng việc dạy kèm piano. Và cậu phải luôn làm cật lực để bù vào khoản thù lao mà hầu như tháng nào cậu cũng phải xin ứng trước. Dấu ấn những năm tháng cơ cực sau này được nhà văn ghi lại trong nhiều tác phẩm của ông.
Tốt nghiệp trung học, Remarque vào đại học Munster , nhưng chưa học xong ông đã bị gọi nhập ngũ và chiến đấu ở mặt trận phía tây. Khoảng thời gian giàu sinh ra tử trong lửa đạn này là nguồn tư liệu quý giá cho ông viết cuốn tiểu thuyết đầu tay. Những điều ông đã kinh qua ít nhiều đều được miêu tả trong cuốn sách ấy.
Những tác phẩm tiêu biểu: Phía Tây không có gì lạ; Khải hoàn môn; Đường về; Tia lửa sống; Bia mộ đen… Hầu hết các tác phẩm đều mang khuynh hướng phê phán và tố cáo xã hội mãnh liệt đồng thời miêu tả sức hủy hoại kinh hoàng của cuộc chiến tranh đế quốc đối với thể chất và tinh thần của con người.
Xin trân trọng giới thiệu!
- Erich Maria Remarque
- NXB Hội Nhà Văn