Bách Gia Tinh Hoa - Mặc Tử
Trang Tử ngợi khen Mặc Tử rằng: “Tuy vậy, Mặc Tử là người tốt ở gậm trời vậy. Muốn tìm không thể được vậy. Dầu cho khô héo cũng không thể bỏ được vậy. Thật là tài sĩ vậy!”. Thật vậy, Mặc Tử thật là “người tốt ở gậm trời, muốn tìm không thể được”, Hồ Thích cho rằng: “mòn trán lỏng gót, cái gì lợi cho thiên hạ thì làm”, như Mặc Tử, trong lịch sử nước Tàu, không thể có một người thứ hai.
Mặc Tử sống nhằm giữa hồi Lão giáo Nho giáo cực kỳ bành trướng, vì không chịu nổi sự phiền toả của Nho gia, cũng không kham nổi sự phóng túng của Lão gia, muốn chống lại hai làn sóng ấy, Mặc Tử phải tự lập một học thuyết trái lại.
Mặc Tử nhận rằng: Các sự rối loạn đều do ở lòng tự tư tự lợi mà ra. Nay muốn thiên hạ được khỏi nạn ấy, cần nhất phải làm thế nào cho hết thảy mọi người đều biết yêu nhau, đều coi quyền lợi của người như quyền lợi của mình, thì mới trừ được cái gốc sinh ra tai vạ. Vì vậy mới xướng chủ nghĩa Kiêm ái.
Nhưng Kiêm ái là một công trình lớn lao, không thể chỉ bước một bước mà tới. Người ta còn chưa trau dồi tư đức cho khỏi có điều càn bậy, lầm lỗi, thì không thể nào đi đến chủ nghĩa Kiêm ái, Mặc Tử nghĩ vậy, nên lại xướng ra những thuyết Tiết dụng, Tiết táng, Phi mệnh, Quý nghĩa… để làm khuôn mẫu cho mọi người. Trong bấy nhiêu thuyết, thì thuyết Tiết dụng là quan hệ hơn. Mặc Tử thấy rằng: Loài người mà không yêu nhau, và hay tranh nhau, giết nhau, ăn hiếp lẫn nhau, lừa đảo lẫn nhau, chẳng qua vì lòng ham muốn mà ra. Thế mà cái gốc của lòng ham muốn thì là những sự xa xỉ hoa lệ, hễ nhổ được cái gốc ấy chắc lòng ham muốn sẽ bớt phát triển, người ta sẽ bớt tự tư tự lợi, thì mới biết quý điều nghĩa, chuộng người hiền, hy sinh quyền lợi của mình để giúp đỡ cho người, thâm ý của chủ nghĩa Tiết dụng là vậy.
- Ngô Tất Tố
- NXB Văn Học
Sản phẩm này chưa nhận được đánh giá nào. Bạn hãy là người đầu tiên đánh giá nhé!