Còn Với Non Sông Một Chữ Tình
Cuốn sách Còn với non sông một chữ tình dày hơn 300 trang, viết dưới dạng ký, hồi ức kể về những kỷ niệm sâu sắc của tác giả với những nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ, những nhà lãnh đạo, nhà hoạt động chính trị xã hội nổi tiếng như: Đại tướng Võ Nguyên Giáp; luật sư Nguyễn Hữu Thọ; nhà thơ, nhà báo, nhà ngoại giao Xuân Thủy; Viện sĩ - bác sĩ Dương Quang Trung; nhà giáo Dương Văn Diêu; Giáo sư - Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng…
Bằng văn phong chân thành, giản dị và năng lực quan sát, cảm nhận tinh tế, tác giả đã viết bằng tiếng nói của chính trái tim mình, đem lại cho người đọc cảm xúc mạnh mẽ để khi cuốn sách khép lại, ai cũng thấm thía một chữ tình sâu sắc… Nét độc đáo của tác phẩm là cung cấp cho người đọc những thông tin mới và những tư liệu quý lần đầu tiên được công bố, nhờ đó tạo nên sự hấp dẫn.
Trong câu chuyện kể về kỷ niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tác giả nhớ lại: “Năm 1972, trong một lần cùng luật sư Nguyễn Hữu Thọ đến thăm Đại tướng, nghe Đại tướng hỏi luật sư: “Anh lo gì nhất khi miền Nam được giải phóng?” Luật sư đáp: “Tôi lo nhất là đội ngũ cán bộ quản lý chính quyền. Mới hôm qua họ là người cầm súng, liệu có quen được không?”. Đại tướng gật đầu: “Tôi cũng nghĩ như anh, chúng ta phải đào tạo và cái cuối cùng vẫn là nhờ dân quản lý, có dân là có tất cả, làm sao để đảm bảo phát huy dân chủ. Tôi sẽ căn dặn các đơn vị ngay từ bây giờ”.
Kể về kỷ niệm với nhà thơ Xuân Diệu trong chuyến đi thực tế viết văn ở Trà Cổ, Xuân Diệu viết tặng tác giả bài thơ Trên bãi biển Trà Cổ có đoạn viết: Chia cho em nửa trời/Chia nửa vời biển cả/Còn một trái tim người/Anh tặng em tất cả.
Còn với bài Một thoáng Lưu Trọng Lư, tác giả được nhà văn Nguyễn Tuân kể cho nghe về mối tình đầu, về “tiếng sét ái tình” cửa Lưu Trọng Lư khi yêu nàng bác sĩ nha khoa Phùng Thị Cúc, hoa khôi Trường Đồng Khánh xứ Huế. Sau này nàng sang Pháp lấy chồng và mang họ chồng nên có tên mới là Điềm Phùng Thị. Về sau hỏi Lưu Trọng Lư về mối tình này, ông lắc đầu: “Có chi mô, chỉ là tình trong mộng”. Rồi ông nói thêm: “Nhưng là mối tình theo mình gần suốt cuộc đời”.
Với nhà văn, liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý, tác giả khắc họa hình ảnh yêu nước cháy bỏng của một nữ nhà văn đã gửi lại đứa con nhỏ hơn 1 tuổi cho mẹ để vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Với Dương Thị Xuân Quý: “Chiến trường máu lửa mới là nơi sức trẻ phải xông pha. Bây giờ với Quý không chỉ là lý tưởng, là yêu cầu cống hiến mà còn là máu thịt, là tình yêu…”.
Đọc xong tác phẩm Còn với non sông một chữ tình, mỗi người tự thấy mình phải sống có trách nhiệm với dân, với nước hơn và luôn tâm niệm: dù có trải qua bao thăng trầm cuộc sống và những bon chen, thực dụng tầm thường thì hãy nên sống với nhau bằng một chữ tình trọn vẹn nhất.
(theo báo SGGP)
Sản phẩm này chưa nhận được đánh giá nào. Bạn hãy là người đầu tiên đánh giá nhé!