Hoa Để Mùa Sau
Duyên Sanh và tôi quen nhau từ khi còn học ở Đồng Khánh, tuy khác lớp nhưng cùng ban C nên đã là bạn văn với nhau từ ngày ấy. Sau này lớn lên, trong suốt quãng đời mấy mươi năm, Duyên Sanh vẫn gắn với nghiệp văn chương. Là cô giáo dạy Văn nổi tiếng của Huế, Sanh dành phần lớn thời gian để rèn văn luyện chữ cho những học sinh giỏi văn, đã giúp các em giành được nhiều phần thưởng và trở thành những mầm non văn học đầy hứa hẹn. Dạy giỏi và có uy tín, nhà trường, phụ huynh đều gửi gắm hy vọng, nên công việc rất bộn bề, thỉnh thoảng Sanh mới có thời gian để viết truyện. Những thời khắc dành cho sáng tác này, Sanh xem là những phút giây sống cho mình.
Đọc truyện Duyên Sanh là mở ra cả một trời Huế dịu dàng. Bởi cả đời Sanh gắn bó với Huế, với dòng sông Hương, với những ngôi trường gần trường xa đầy ắp kỷ niệm. Truyện nào cũng mở đầu bằng không gian Huế bàng bạc cảm hoài. Có khi là mưa Huế “lai láng, sụt sùi”, có khi là nắng Huế “Trời nắng, con đường Lê Lợi rợp màu trắng mát rượi dưới hai hàng lá cây long não mướt xanh”. Có khi là những bóng hình Huế dễ thương trong ký ức: “Ngày mưa, những ngón chân con gái trắng hồng dưới quai guốc nhựa trong veo”…
Đọc truyện của Sanh cũng là để nghe tiếng nói Huế, một thứ tiếng Huế thuần chất đặc sệt, với những phương ngữ mà người nơi xa thoạt nghe tưởng như một thứ bí chú nào đó.
“- Mắt con ni có khói đó!
- Khói chi? Trời Huế thiếu chi sương khói, mắt ai mà không vương?
- Nhưng ta thấy khói ni bên Quốc Học bay qua!
- Nói hiện ngụy! Mi rảnh thì lo học để còn đi thi. Ở đó mà bày chuyện. Vô duyên!”
Và đậm nét hơn hết trong truyện Sanh là những mảnh đời Huế, nói cho đúng là những mảnh đời đàn bà Huế. Đấy là những cô gái nữ sinh Đồng Khánh một thời, cái thời con gái còn “Cuống quýt vân vê tà áo” và con trai còn chịu khó dành thời gian lẽo đẽo lặng câm đi theo sau hàng cây số mỗi lần “Em tan trường về.” Đấy cũng là những đoạn xót xa trong dâu bể của thời cuộc, của số phận, để rồi dở dang, rồi luân lạc, rồi ôm ấp hoài những ước mơ đầu đời như “…một mỹ thể tinh khôi duy nhất được cuộc đời ban tặng. Và cũng bởi vì nó lấp lánh rạng ngời như giọt sương mai nên chi cũng sớm tan khi ngày mới bắt đầu.”
Có thể Huế bây giờ đã khác. Nhưng Huế thời chúng tôi thì “tội lắm”! Những người phụ nữ từ khi niên thiếu đã được dạy đi nhẹ nói khẽ, chịu thua nhường và xem hy sinh là bổn phận đương nhiên. Người đàn bà Huế chịu cực chịu khổ thì đại tài nhưng giành lấy hạnh phúc cho mình thì dường như hơi kém! Những người đàn bà trong truyện của Sanh, và có lẽ cả Sanh nữa, dường như luôn bị ám ảnh bởi giờ khắc chiều muộn: chiều muộn của một ngày hay của một đời. Câu chuyện của họ thường chốt lại dưới Trăng muộn, hay Lúc chiều xuống… Khoảnh khắc ấn tượng của truyện thường là chiều, là đêm, là lúc ngày sắp hết. Là lúc người đàn bà cô đơn còn lại với chính mình.
“Huế là mơ, Huế là thơ…” có một bài hát ngợi ca Huế đã viết như vậy. Điều đó thật đúng, đúng cả với những mối tình Huế. Giống như sương khói, chỉ trong thơ và trong mơ, còn trong hiện thực thì vừa chạm đến đã tan đi. Nhân vật của Duyên Sanh thường sợ hãi cô đơn, trăn trở với số phận không may mắn, nhưng dường như họ rất sợ đưa tay ra chạm vào hạnh phúc. Đó là những người đàn bà được sao Quả tú chiếu mệnh, như Hiên (Trăng muộn), dẫu không thiếu can đảm vùng lên tìm tự do và hạnh phúc, nhưng số phận trớ trêu lại chỉ cho cô chạm mặt người đàn ông mình yêu khi cả hai đều đã sắp tàn cùng năm tháng. Như Trâm, “Cánh phượng cuối của mùa hạ” một mình vật lộn với cơm áo đời thường, vượt lên mọi khó khăn để tồn tại trên đôi chân của chính mình, nhưng phần riêng hạnh phúc chỉ biết tìm trong “ một thoáng hương xưa”. Với Duyên Sanh, dường như hạnh phúc cũng như trăng, như sương khói, là những thứ để mà ngắm nghía, mơ nghĩ, chứ hễ chạm đến là tan thành bọt biển. Nên trong truyện Sanh, những Hiên, những Trâm, những Ngọc Diệu… đều chỉ mới chạm khẽ vào tình yêu chứ chưa hề hưởng được quả ngọt nồng nàn của một mối tình đích thực. Còn với Ái ( Điện thoại lúc năm giờ), với Khanh ( Chủ nhật, sao quên?) thì lại chới với trong bi kịch muôn thuở của những người đàn bà cả tin, rốt cục trở thành nạn nhân của sự phản trắc và gian dối…
Những câu chuyện ấy thấp thoáng những bóng dáng có thật ở Huế, nhưng không hề chi chuyện họ là ai, sống ở đâu trong những góc buồn hiu hắt của thành phố xinh đẹp này. Chỉ cần biết đấy là những phận người làm ta thấy xót, và nỗi xót xa cảm thương đôi khi giống như một thứ nước cất trong vắt có thể thanh lọc tâm hồn ta, qua sự đồng cảm về khát vọng yêu thương và hạnh phúc.
Hoa Để Mùa Sau là câu chuyện có diện rộng hơn, bởi nó kể lại câu chuyện luân lạc của nhân vật từ miền Bắc xa xôi, với trạm cuối dừng chân là Huế hiền hòa, nơi có ngôi chùa Huế đã cưu mang và chữa khỏi niềm đau. Sau những ấn tượng về trăng muộn, đêm tàn, chiều xuống, ta đã có hình ảnh một mùa hoa, dù rằng hoa vẫn còn chưa nở. Hình ảnh một mùa hoa, dù mới chỉ có trong lời hẹn, cũng đã làm sáng lên hy vọng của đời người. Đấy không phải là hy vọng của riêng nhân vật Duy trong truyện, mà là xu hướng chung của mỗi tâm hồn, trong đêm tối luôn chờ đến bình minh. Chắc không phải ngẫu nhiên mà Sanh chọn nhan đề này để đặt tên cho toàn tập truyện. Bởi vì ai mà chẳng mong đợi một mùa hoa, dù là mùa hoa cuối của cuộc đời, mong rằng nó sẽ đến chứ không phải chỉ có trong khói sương và mộng tưởng. Tôi cầu mong như thế cho những người đàn bà Huế trong truyện của Sanh, và cả cho Sanh, cho tôi nữa…
Huế, 14 tháng 2 – 2014
Trần Thùy Mai
Sản phẩm này chưa nhận được đánh giá nào. Bạn hãy là người đầu tiên đánh giá nhé!