Jane Eyre (Sách Liên Việt)
Jane Eyre
Jane Eyre là chuyện của một người đàn bà, do một người đàn bà kể lại, Charlotte Bronte đã để lại trong đó rất nhiều tâm huyết của mình. Nhiều đoạn trong tiểu thuyết là tự truyện của bản thân tác giả. Sức hấp dẫn của tác phẩm chính là ở chỗ nó được xây dựng trên những chất liệu rất thực, rất "sống" bằng những tình cảm xuất phát từ đáy lòng của người cầm bút. Nhưng ở nơi nào Charlotte dùng tưởng tượng thay cho thực tế thì nơi đó bà không thành công. Chủ nghĩa hiện thực không nhất quán trong toàn tác phẩm.
Vấn đề trung tâm trong Jone Eyre là vấn đề địa vị của người phụ nữ trong xã hội tư sản. Charlotte Bronte kiên quyết đấu tranh cho quyền bình đẳng của phụ nữ trong tình yêu, trong đời sống gia đình, trong lao động xã hội. (Trong thời đại Bronte chưa thể nói đến sự bình quyền của phụ nữ về chính trị, ngay phong trào Hiến chương cũng chưa đặt ra quyền bầu cử đối với phụ nữ), về địa vị của người phụ nữ trong quan hệ xã hội, với nam giới, quan điểm của Charlotte Bronte gần giống với quan điểm của nữ văn sĩ Pháp George Sand (1804-1876), mà bà rất mến phục. Và cũng như George Sand, trong tác phẩm của mình, Charlotte Bronte không tách rời vận mệnh và cuộc đấu tranh của những tầng lớp nghèo khổ, bị áp bức trong xã hội.
Jane Eyre, nhân vật chính của tác phẩm, chịu đủ mọi thứ cực nhục trên đời, trước hết là vì nghèo. Mồ côi bố mẹ, trong tay không có một chút của cải nào, Jane được một người cậu ruột mang về nuôi. Cậu chết, Jane phải ở với mợ, bà Reed. Nhưng những ngày sống nhờ ở nhà bà là một chuỗi ngày đau khổ. Bị hắt hủi và ngược đãi, là cái đối tượng chơi đùa, hành hạ của mấy đứa con ngỗ nghịch và độc ác của bà Reed, Jane cảm thấy như sống giữa những người xa lạ, giữa "những người thù địch". Trong cái gia đình ấy, đọc sách là một tội lỗi và không tuân theo ý muốn của bà Reed hoặc con bà - dầu đấy là một ý muốn rất phi lý và độc đoán hoặc hành động để tự bảo vệ cũng có thể bị tống giam vào một căn phòng tối, bỏ mặc cho đói và khát. Gia đình bà Reed là hình ảnh thu nhỏ của cái xã hội đầy rẫy bất công và tàn ác.
Nhưng trong tâm hồn bé bỏng của cô gái lên mười đã nẩy ra một tinh thần phản kháng mãnh liệt. Ý thức sống độc lập, không chịu luồn cúi, đã sớm hình thành trong đầu óc Jane, Jane tự cho mình là một người "nô lệ nổi loạn" vì hiểu rằng mình đang tiến hành một cuộc đấu tranh chống lại sự áp bức của những người xung quanh...
Jane Eyre của Charlotte Bronte cũng là một đóng góp quan trọng trong việc vạch trần bộ mặt thật của những tổ chức từ thiện, những trại trẻ trong tay Giáo hội nhằm giết chết "những người thừa" của xã hội, hoặc ít nhất cũng giết chết phần lành mạnh và tốt đẹp trong con người để biến nó thành một thứ nô lệ cho giai cấp thống trị. Trại Lowood trong Jane Eyre là một tổ chức như thế. Charlotte Bronte qua kinh nghiệm bản thân đã vẽ nên bức tranh xác thực đến rùng rợn của cái nhà trường, trong đó Jane sẽ sống đến lúc trưởng thành, nghĩa là cho đến lúc có đủ khả năng vào giúp việc ở những gia đình quyền quý.
Chế độ khổ hạnh và khắc nghiệt của trại Lowood đã bóp nghẹt nhiều tâm hồn ngây thơ non trẻ. "Phải trừng trị phần xác để cứu lấy phần hồn", đấy là luận điệu lừa bịp của tên thầy tu quản trại, Helen Burns đã chết một cách yên lành, nhẫn nhục. Bên cạnh Jane Eyre. Em là nạn nhân của một chế độ vô nhân đạo, của những lý thuyết cực kỳ phản động của giáo hội.
Nhưng nếu Helen là hiện thân của tinh thần ngoan đạo, an phận thì Jane Eyre không như thế, Jane luôn luôn phản ứng - mà phản ứng kiên quyết - đối với những bất công xung quanh mình. Tinh thần phản kháng và ý chí độc lập là nét tâm lý cơ bản trong Jane Eyre. Nàng chinh phục cảm tình của độc giả chính bằng cái bản chất ngoan cường đó. Để thoát khỏi trại Lovvood, Jane tự mình đi tìm việc ở ngoài. Nàng đến làm cô giáo dạy trẻ ở lâu đài Thornfield. ông chủ Rochester đâm ra yêu nàng, và nàng cũng không kém thiết tha trong mối tình đáp lại. Nhưng ngay trong tình yêu - Jane Eyre cũng đòi hỏi một thứ bình đẳng. Nàng kiên quyết từ chối mọi thứ quà tặng quý giá mà người yêu cho mình, luôn luôn nhắc rằng nàng là một cô gái nghèo và không muốn thay đổi địa vị của mình chỉ vì trở thành người yêu của một kẻ giàu sang. Và khi vỡ lẽ rằng không thể lấy được Rochester, nàng bỏ ra đi, mặc dầu hai người vẫn còn yêu nhau tha thiết. Danh dự và tôn giáo không cho phép nàng sống cùng Rochester, chia sẻ với chàng một cuộc đời êm đẹp, nhưng bất hợp pháp, biến thành một thứ tình nhân vĩnh viễn của người yêu. Bán rẻ nhân phẩm và trinh tiết, trở thành nô lệ và đồ chơi của người khác - dầu người ấy có là người yêu đi chăng nữa - đối với nàng còn ghê rợn hơn cả cuộc đời gió bụi, gian truân trước mặt. Hình ảnh của Jane Eyre hôm qua còn phơi phới trong hạnh phúc tuyệt đỉnh của tình yêu, hôm nay đã trở thành người bơ vơ lỡ bước, lang thang đi tìm việc để nuôi thân, không những làm cho chúng ta xúc động mà còn làm cho chúng ta kính phục. Nếu như nàng chỉ cần một chút hạnh phúc dễ dãi! Nhưng Jane Eyre là một người thù ghét sự mềm yếu, tâm hồn nàng không thể sa đọa. Kiêu hãnh và tự trọng, nàng xây dựng cuộc đời mình bằng lao động trung thực và dũng cảm. Trong phần cuối cùng của tác phẩm, những may mắn của số phận khiến nàng trở nên giàu có và tìm ra được những người thân thích, nhưng hoàn cảnh mới không hề thay đổi con người nàng. Rochester đã tàn phế, nhưng lý do ngăn cách hai người không còn nữa. Jane Eyre trở lại với người yêu, nguyện đem cuộc đời mình xây lại cái hạnh phúc đã mất.
Trong sự miêu tả của Charlotte Bronte, cô gái Jane Eyre nghèo khổ cao hơn hẳn những người thuộc tầng lớp tư sản và quý tộc xung quanh. Tình yêu nàng trong trắng, tâm hồn nàng dũng cảm và vị tha. Hình tượng của Jane đẹp và cao thượng chính là vì nàng không tuân theo cái luân lý ích kỷ, vụ lợi, cái triết lý tiền bạc đang ngự trị trong xã hội lúc ấy.
- Charlotte Bronte
- NXB Văn Học
Sản phẩm này chưa nhận được đánh giá nào. Bạn hãy là người đầu tiên đánh giá nhé!