Kẻ Ăn Hồn
Ẩn sâu dưới tầng tầng lớp lớp cát bụi thời gian có hằng hà sa số những bí mật còn chưa được khai phá, chúng thất lạc, chìm nổi trong những câu chuyện cổ tích mà dân gian vẫn hay kể cho đám trẻ con nghe. Nào là quả thị thơm giấu cô Tấm thảo hiền, rồi thì Thạch Sanh chém chằn tinh để cứu nàng công chúa, và cả ông Bụt giúp người thiện lương gặp nạn. Ấy thế mà chẳng ai ngờ được rằng, trong vô vàn những phép màu thần kỳ ấy vẫn tồn tại những vu thuật cổ xưa có sức mạnh kinh hoàng mà người đời chẳng thể nào tưởng tượng nổi, để rồi khi nhắc đến chúng, người đời vẫn cho rằng đó là chuyện viển vông, không hề có thật.
Dọc theo những làng chài đơn sơ quanh năm nghe tiếng sóng vỗ rì rào, người dân nước Việt nương theo điều kiện tự nhiên để sinh sống với những nề nếp sinh hoạt độc đáo, nhưng tương thích với vạn vật xung quanh. Một trong số đó là hình thức mộ táng chum, có nghĩa là những người chết được chôn trong những chum đất nung với đủ hình, đủ dáng. Khi thì là hình trứng, rồi hình trụ, cũng có lúc lồng vào nhau. Những ngôi mộ này thường được chôn thành từng cụm, nằm chênh vênh trên những cồn cát cao ven biển, lại kết hợp với vô số những hình thức mai táng khác nhau.
Hoặc là thiêu xác người rồi mới hốt tro đem đi chôn, hoặc là chôn tượng trưng cho những người đi biển gặp nạn, phải nằm lại dưới đại dương lạnh lẽo chẳng thể quay về. Những chiếc chum đựng thi hài thường được thiết kế sao cho phù hợp với vóc người quá cố. Đôi khi, người còn chưa chết hẳn, nhiều kẻ thất đức đã đem táng người ta vào đó để rồi họ phải chờ đón con đò chở vong đến thật gần trong nỗi đau đớn thấu tim can. Trong số đó những món đồ vật tích đầy oán niệm, thiên hạ vẫn hay nhắc đến một chiếc bình nho nhỏ, vừa tay người ôm vốn được dùng để hung táng những đứa trẻ, nhất là quái thai, từng là vật hy sinh trong hủ tục tế người nhằm cầu nguyện cho mùa màng bội thu, thiên tai chấm dứt.
Thi hài của chúng khi chết thường mang theo nỗi sợ hãi, cùng sự hờn dỗi của trẻ thơ để rồi khi những người thân lén lút tìm xác của chúng vớt lên gương mặt hằn lên những đường nét méo mó biến dạng. Để tránh cho vong hồn của những quái thai chết yểu ấy quay về quậy phá người trần, các thầy phù thủy ngày xưa chôn đám trẻ vào một cái chum đất nho nhỏ, thoạt nhìn rất giống một cái bình đựng nước.
Mặc dù chẳng có gì đặc biệt, nhưng những người từng tận mắt nhìn thấy chiếc bình ấy đều chắc như đinh đóng cột rằng nó tỏa ra làn khói lạnh lẽo, cũng có khi nó đập thình thịch như chứa tim người ở trong. Lão phù thủy vốn có nhiệm vụ lưu giữ xác hài nhi chết yểu chẳng biết làm sao mà chết, người ta phát hiện xác lão với phần đầu bị xé lìa khỏi thân. Còn cái sọ thì chẳng thấy đâu nữa cả.
Mà nào đâu chỉ có vậy, bầy gà nhà anh ta cũng chết sạch, nói đúng hơn là bị một thứ quái quỷ nào đó, dùng hàm răng nhọn hoắt cắn cụt đầu, máu vương vãi đầy trên mặt đất. Điều này khiến dân trong vùng hoảng sợ, họ bàn bạc gói chiếc bình tang tóc ấy vào một tấm vải đỏ rồi ném xuống biển. Và cũng chẳng rõ vì sao mà chiếc bình ấy có thể xuất hiện trở lại, nó mê hoặc người ta bằng những cách rất tàn độc mà câu chuyện cổ tích “Ai mua hành tôi?” là một minh chứng điển hình như thế.
Ngày xửa ngày xưa có một anh nông dân tốt bụng sống hòa thuận ấm êm với cô vợ của mình. Dù nàng có nước da đen nhẻm, gương mặt xấu xí nhưng anh vẫn vô cùng yêu thương và trân trọng. Một ngày nọ, vì cứu giúp một chú chim biết nói mà anh được nó tặng cho bình nước thần để trả ơn. Dù trong lòng nghĩ rằng đây là chuyện viển vông nhưng anh vẫn đem chiếc bình kia về nhà, cất trên gác bếp rồi quên bẵng đi. Cô vợ ở nhà thấy bình nước tỏa ra hương thơm ngát bèn mang đi tắm, nào ngờ làn da đen đúa ngày nào biến mất, thay vào đó là một mỹ nhân diễm lệ trần gian hiếm gặp. Anh nông dân thấy vậy thì ngạc nhiên quá đỗi, ngày nào cũng ở nhà ngắm vợ, chẳng còn thiết tha đi làm, công việc đồng áng cũng vì thế mà trễ nải. Để cho đỡ nhớ người đẹp ở nhà, anh thuê người vẽ tranh rồi đem treo trên cây, thỉnh thoảng lại ngừng tay một chút, cũng chính vì thế mà gây ra tai họa. Bức tranh vẽ vợ anh lọt vào tay nhà vua, động lòng trước dung mạo của người trong hình, nhà vua ra lệnh tìm kiếm và bắt người kia về làm thiếp của mình. Từ ngày chia lìa đôi lứa, anh nông dân buồn bã, còn cô vợ trong cấm cung lúc nào cũng khóc nức nở. Cực chẳng đã, nhà vua ra lệnh hễ ai làm cho người đẹp cười nói được thì sẽ trọng thưởng.
Biết chuyện, anh chàng lập tức vào kinh, mang theo những khóm hành tươi khổng lồ do vướng phải thứ nước trong chiếc bình thần kì lạ kia. Vừa đi anh vừa rao:
“Dọc bằng đòn gánh, củ bằng bình vôi.
Ai mua hành tôi thì thương tôi với.”
Cô vợ trong cung nghe thấy thế thì ngừng khóc ngay lập tức, cô nhận ra giọng nói của chồng bèn ôm bụng cười ngặt nghẽo. Nhà vua thấy thế thì mừng lắm, vội vàng cho người mời gã bán hành xa lạ kia vào cung. Thấy mỹ nhân trong lòng cuối cùng cũng mở nụ cười, nhà vua sung sướng cởi bỏ long bào để giả làm kẻ bán hành mua vui cho người đẹp, cũng vì thế mà mất cả giang sơn. Riêng chiếc bình đầy bí ẩn kia chẳng còn ai nhắc tới.
Cho tới tận bây giờ, mỗi khi kể cho trẻ con nghe về câu chuyện Ai mua hành tôi, đa phần người ta chỉ nhắc đến bài học của gã hôn quân mê đắm tửu sắc để rồi bị chiếm ngôi, chẳng ai nhận ra nguồn cơn mọi sự đều bắt nguồn từ chiếc bình đựng nước kia, cũng chẳng mấy người nhọc lòng tìm hiểu vì đâu mà nó có tác dụng kinh hoàng đến vậy.
Giữa những năm tháng thăng trầm của lịch sử, người dân nước Nam phải sống mái qua vô vàn trận xâm lăng. Máu tanh nhuộm đỏ đất trời, thây người nhiều không kể xiết. Chiếc bình kia từ sức mạnh làm cho người xấu trở thành người đẹp, cây cối lớn nhanh như thổi thì nay đã nhuốm đầy oán khí của đủ hạng người trên thế gian để trở thành một trong những thứ kinh hoàng nhất trong những loại vu thuật thất truyền của dân Việt. Người ta gọi nó là Rượu Sọ Người…
Người ta nói rằng, kẻ nào có nó trong tay là có thể thực hiện được bất cứ mục đích nào của mình, kể cả việc trở thành bá chủ thiên hạ.
Những lời đồn đại về nó nhiều đến nỗi chẳng ai biết được đâu là thật, đâu là giả, để rồi vô vàn người vô tội phải chết vì nó. Bởi, muốn luyện được rượu thì phải tìm cho đủ năm bộ phận từ năm mạng người khác nhau, ấy là: một đôi bàn tay khéo léo, một đôi chân nhanh nhẹn, một lá gan của kẻ dũng cảm, một cái đầu của kẻ thông minh, và cuối cùng là trái tim của dã nhân lòng lang dạ sói. Khi tập hợp đủ những thứ kể trên, phải dùng máu tươi của thiếu nữ để làm hiến cho quỷ thần. Không rõ lời đồn đại ấy đúng hay sai, mà có biết bao nhiêu người sẵn sàng bỏ mạng vì chúng, để rồi nhận lại là nỗi đau đến xé gan, xé ruột cho gia thân quyến thuộc. Ấy vậy mà, trong số những câu chuyện mà thiên hạ thêu dệt lên, thì chỉ duy nhất một câu là sự thật, đó là:
Rượu sọ người sẽ tự động tìm đến khi kẻ ác độc nhất thế gian mất đi tất cả, và chiếc bình tưởng chừng như vô tri vô giác ấy sẽ dẫn đến một bí mật động trời về thuật hồi sinh người chết của người Việt thuở xưa.
- Thảo Trang
- NXB Phụ Nữ Việt Nam
Sản phẩm này chưa nhận được đánh giá nào. Bạn hãy là người đầu tiên đánh giá nhé!