Mẹ Chồng Nàng Dâu
“Dâu là con, rể là khách”, phương châm cư xử tốt đẹp đó đã đi vào nhiều gia đình Việt Nam từ bao đời với hàm ý: người con dâu được yêu thương như con gái ruột còn người con rể được quý như khách.
Thế nhưng thực tế mối quan hệ mẹ chồng – con dâu từ lâu đã trở thành nỗi ám ảnh với nhiều cô gái khi bước chân về nhà chồng. Những xung đột, mâu thuẫn trong mối quan hệ này nhiều khi đem lại cho các cô dâu bao đau khổ, mệt mỏi mà có khi suốt đời vẫn không thoát được.
Là câu chuyện về hai bà mẹ và ba nàng dâu với những xung đột, mâu thuẫn muôn thuở trong mối quan hệ nàng dâu mẹ chồng. Cò nàng mồ côi cha mẹ phải tự lập thân, có nàng là tiểu thư khuê các sống trong giàu sang nhung lụa. Thế nhưng “thân gái mười hai bến nước, trong nhờ đục chịu”, họ lần lươt dấn thân vào vòng xoáy của tình yêu toan tính, hôn nhân sắp đặt để rồi từ đó không ít bi kịch xảy ra. Hạnh phúc của một cô gái khi đi lấy chồng phụ thuộc hoàn toàn vào tấm lòng của mẹ chồng. Nếu sự khắc nghiệt của bà Phủ đã phá tan hạnh phúc không phải của con dâu mà của chính con trai mình để cuối đời phải chết trong niềm hối hận, thì sự bao dung của bà Phùng đã mở ra một gia đình hạnh phúc.
Bà Tùng Long, tên thật Lê Thị Bạch Vân, là một nữ văn sĩ nổi tiếng với nhiều tiểu thuyết tâm lý xã hội ở miền Nam trước năm 1975. Bà có trên 60 đầu sách được xuất bản từ năm 1956 đến 1972.
Tiểu thuyết Mẹ Chồng Nàng Dâu được viết xong từ năm 1955. Gần 60 năm đã trôi qua, nhiều chi tiết đã trở nên lạc hậu. Nhưng với cách viết dung dị, Mẹ Chồng Nàng Dâu nhắc chúng ta nhớ lại cả một thời phong kiến buồn bã đã đi qua cũng như vẫn còn đâu đó những nàng dâu ở các vùng xa xôi vẫn phải chịu đựng sự hà khắc của mẹ chồng trong xã hội hiện đại như ngày nay.
Sản phẩm này chưa nhận được đánh giá nào. Bạn hãy là người đầu tiên đánh giá nhé!