Những Con Đường Mang Tên Đừng Có Nhớ (Kèm CD)
Những Con Đường Mang Tên Đừng Có Nhớ
Sài Gòn không chỉ là nơi đến, không chỉ là nơi ở, Sài Gòn là nhân chứng cho cuộc tình ta. Nơi có những góc phố, con đường, hàng quà... nhắc ta nhớ về nhau với một vùng trời kỉ niệm.
Sài Gòn bé vậy, sao tìm mãi chẳng ra nhau! - Tìm Nhau Giữa Sài Gòn còn có chút gì hờn dỗi, trách cứ, gượng gạo nhìn, gượng gạo xa, những trăn trở chưa định hình đớn đau hay hạnh phúc. Thì ở Sài Gòn toàn nỗi nhớ, làm sao có thể quên nhau! - Những Con Đường Mang Tên Đừng Có Nhớ đầy ắp yêu thương, đủ khát khao để biết thế nào là đau khổ, đủ dằn vặt bản thân để biết tha thứ cho người khác, đủ cô đơn để nói lên những lời trung thực tự đáy tim mình...
Những ly rượu tình hoang hoải ở Paris, hương ngọc lan mong manh nơi góc phố Sài Gòn, chút suy ngẫm về cuộc đời sau những chuyến đi... nhẹ nhàng mà thẳm sâu. Ta chợt nhận ra, ý nghĩa cuộc đời chính là ở nơi đây: hạnh phúc tột cùng rồi đớn đau để trưởng thành hơn nữa; những cuộc chia ly buồn mà thôi bi lụy; ta đã biết bình thản đón nhận dù là những giông bão cuộc đời.
"Đừng có nhớ" thấm đậm chất si mê, ngọt ngào của tình yêu thời tuổi trẻ, và chỉ có người trẻ mới nói được như thế về mình, nồng nàn những tình và tứ.
Nhà thơ Ngô Thị Hạnh
* * * * * * *
Người ta có hai cách chính để trốn chạy khỏi những nỗi đau tình.
Một là trốn vào tim người khác. Để người khác nhanh chóng bước vào tim mình, lấn át dần hình ảnh cũ vẫn cứ tràn đầy thương yêu kèm những day dứt khôn nguôi trong đó.
Hai là trốn khỏi nơi ta đã từng yêu ai đó một cách đã-từng-như không thể nào dừng lại được...
Giống như cảm giác ta chạy trốn mắt mình khỏi những con đường trong thành phố với toàn là kỉ niệm. Đó là những con đường mang tên “đừng có nhớ”...
Những con đường quen thuộc. Qua lại vài lần là đã thuộc làu tên. Thỉnh thoảng, người ta lại gọi tên những con đường theo những đặc trưng dễ nhận biết, như đường Bờ kè, đường Sân bay, đường Cá viên chiên, dốc Sương mù... Có cả hẻm hủ tíu gõ, hẻm mẫu giáo, hẻm vá xe... Nhưng có rất nhiều con đường, góc phố, khu hẻm khác nhau nhưng cùng được gọi là “đừng có nhớ!”
“Đừng có nhớ” hẳn là nơi đã quá nhiều kỉ niệm. Như con đường yên tĩnh vừa khuất sau những náo nhiệt ồn ào ngoài kia, vàng ươm ánh đèn và những bóng râm từ lá cành hắt xuống như hoa của nắng. Đường rẽ vào nhà người yêu, đã biết bao lần đứng chờ của những buổi hẹn hò lúc dạo đầu, đến trở thành quen thân sau bao mùa mưa nắng thương yêu ấm áp. Có những con đường mỗi khi đi qua sao chẳng thấy nhớ nhung gì hết, bởi lúc đó – có những đoạn lúc đó, ta sống sao mà quên hết ngày tháng của nhau, không gian của nhau, quên hết mọi thứ mà chỉ biết thuộc về nhau. Anh chở em đi chợ, về nấu cho nhau một bữa gọn gàng. Anh lui cui đổ rác, em lau lại sàn nhà cho khỏi bụi. Rồi cũng con đường quen ấy, có những lúc giận nhau không nói một lời nào. Em đi trước, anh đi sau, chẳng chịu nhập thành chung mà người trước cứ cố bước chầm chậm còn người sau cứ chần chừ không nhanh lên một chút... Đó cũng là con đường tạt vội, không kịp nhớ ra đường đã thay đổi thế nào, bởi em vội lên cất trong nhà món quà bất ngờ cho anh ngày Tình nhân, còn anh vội vàng tan sở chạy mua chai rượu vang để có hai kẻ trốn lặng thầm ở nhà khi phố phường yêu đương nhau huyên náo... Cũng vẫn chỉ là con đường ấy, bao năm đi qua, có ai thấy nhớ nhung gì đâu. Sao giờ cứ phải gọi là “đừng có nhớ”...
“Đừng có nhớ” hẳn không phải là nơi đau đớn nhất, nhưng nếu nhìn thấy thì có thể sẽ thành nơi có thể bật khóc mà không hiểu tại sao, không thể nào kiềm lại được. Con đường ấy không của riêng em, chẳng của riêng anh, chỉ là một con đường chung như bao con đường Sài Gòn khác. Ấy vậy mà, tạt ngang qua chút thôi, cũng đủ nhớ mùi hương nhau, ánh mắt nhau, nhớ tiếng thở, nụ cười, nhớ răng khểnh hay đôi mắt nheo nheo mỗi khi trời vàng thêm nắng. Tạt qua một khắc một giây mà năm tháng của bao lâu nay hiện về thành một, rõ như hiện ra trước mắt từ ngày mới quen nhau, ngày mới dắt nhau về, ngày mới sống chung ấm áp đến ngày phải giã biệt nhau. Có ai từng chia tay mà nhớ được con đường đâu, vì lúc đó nước mắt và tiếng nấc nghẹn cố kìm giữ đã làm mộng mị hết rồi. Vậy mà, đấy... khi đi ngang, lại nhớ con đường này, ngày chia tay, sao mà buồn đến thế...
(Trích đoạn)
Sản phẩm này chưa nhận được đánh giá nào. Bạn hãy là người đầu tiên đánh giá nhé!