Phê Phán Năng Lực Phán Đoán
PHÊ PHÁN NĂNG LỰC PHÁN ĐOÁN là cuốn sách Phê phán thứ ba của Kant, sau hai cuốn Phê phán lý tính thuần túy (1781, 1787) nhằm trả lời câu hỏi: “Tôi có thể biết gì?” và Phê phán lý tính thực hành (1788) trả lời câu hỏi: “Tôi phải làm gì?”. Câu hỏi thứ ba “Tôi có thể hy vọng gì?” được Kant dành cho các bài viết và công trình nghiên cứu tương đối ngắn về triết học lịch sử và triết học tôn giáo. Cuốn sách này Kant viết để trả lời câu hỏi thứ tư, bao trùm cả ba câu hỏi trên: “Con người là gì?”.
Theo Kant, con người có ba khả năng: Quan năng nhận thức, Quan năng ham muốn và Quan năng phán đoán. Quan năng phán đoán là cầu nối giữa hai quan năng kia. Phán đoán chia làm: Phán đoán xác định và Phán đoán phản tư.
Theo Kant, Phán đoán xác định: đưa hiện tượng cá biệt vào quy luật phổ quát, công việc để tạo thành nhận thức. Đây là một năng lực bẩm sinh. Phán đoán phản tư: Từ một hiện tượng cá biệt, tìm ra quy luật phổ biến. Có những cái chẳng có mục đích nào cả. Phán đoán phản tư là chìa khóa mở cửa mỹ học. Phán đoán phản tư tạo ra phán đoán thẩm mỹ. Vinh dự của con người là ngoài năng lực phán đoán xác định con người còn có năng lực phán đoán phản tư. Đó là lý do mà cuốn sách có hai phần: “1. Phán đoán thẩm mỹ: tìm cho cái đẹp một mục đích vốn không có trong thực tế; 2. Phán đoán tự nhiên: giới tự nhiên cũng vậy, không có mục đích”.
Năng lực phán đoán “là quan năng suy tưởng cái đặc thù như là được thâu gồm ở dưới cái phổ biến”, “là một năng khiếu đặc biệt do tập luyện mà thành thạo chứ không thể truyền dạy được”. Nó là “từ lòng mẹ sinh ra” và nếu thiếu, không một trường học nào có thể bù đắp được, và do đó “thiếu óc phán đoán thường gọi là sự ngu muội và ta không thể tìm phương thuốc chữa trị”.
Có thể nói, cuốn sách này có vai trò “giải thoát” con người khỏi sự giằng xé giữa tinh thần và thể xác, giữa lý trí và cảm giác; là chiếc cầu bắc ngang qua vực thẳm giữa trí năng và lý trí. Con người là vật biết đau khổ và khoái lạc và con người có quyền hy vọng tìm thấy giải thoát ngay trong phạm vi sinh hoạt thường ngày.
Phán đoán là hành vi thực hành, qua cuốn sách này Kant nghiên cứu về khả năng tình cảm thuần túy và đối tượng của nó là hành vi của con người tại thế. Trong Lời Tựa của lần xuất bản thứ nhất, Kant nói: “với công trình này, tôi đã hoàn tất được toàn bộ công cuộc Phê phán của mình”
- Immanuel Kant
- NXB Tri thức