Truyện Kinh Dị Việt Nam - Vàng Và Máu
“Thuở nhỏ tôi theo học chữ Nho. Thầy đồ tôi là một người yêu văn, nhất là yêu tiểu thuyết. Tối đến, khi bọn trò chúng tôi đã học thuộc bài, thầy lại đem các truyện Tàu ra đọc và dịch sang quốc âm cho chúng tôi nghe.
Trong những truyện ấy, tôi thích nhất truyện Liêu Trai. Thầy dịch bằng một lối văn vừa giản dị, vừa có thi vị, thỉnh thoảng lại chêm một câu bình phẩm khôi hài, khiến chúng tôi cười rộ, và khiến tôi, tuy thời ấy mới chín, mười tuổi, mà nghe những truyện thần tiên ma quỷ không chút sợ hãi. Tôi chỉ mơ màng yêu mến những nhân vật trong truyện. Tôi yên trí rằng yêu tinh là linh hồn hiện thành hình người để làm những điều thiện, để trị tội những kẻ ác, để trả ân trả oán trong nhân gian.
Mười mấy năm sau, quay học lại chữ Nho, và đem bộ Liêu Trai ra xem, tôi tuy không có những cảm giác ngây thơ thuở nhỏ, mà những thi hứng, những thi tứ, tôi vẫn cảm thấy đầy rẫy trong câu văn hay.
Song có chút điều tôi không ưng ý, là lối kể chuyện của văn sĩ họ Bồ có phần dễ dãi quá: tác giả chỉ đem trí tưởng tượng ra mà bịa đặt, có khi không hợp lý chút nào. Cái đó, có lẽ ta cũng không nên trách tác giả: tác giả chỉ là một thi sĩ. Vả những câu đầy mộng mị, đầy ảo thuật kia chỉ để cho những thi liệu phong phú của tác giả có chỗ mà phô diễn ra được.
Tôi vẫn mong mỏi có nhà văn dung hợp được văn Thái Tây với văn Á Đông, để gây một lối văn viết theo óc khoa học mà vẫn giữ được thi vị của văn Tàu.
Nhà văn đó ngày nay đã có: chính là bạn Nguyễn Thế Lữ, thi sĩ trong Tự Lực Văn Đoàn.
Thực vậy, tác giả những truyện Vàng và máu và Một đêm trăng, đã tỏ ra có bộ óc khoa học của Edgar Poe và tâm hồn thi sĩ của Bồ Tùng Linh, hai nhà viết những truyện ghê gớm hay huyền hoặc làm cho độc giả yếu bóng vía phải rùng mình lúc đêm khuya.
Ấy cũng nhờ có thi vị mà truyện Vàng và máu không ghê gớm tuy vẫn làm cho ta phải rùng mình. Và nhờ có óc khoa học mà tác giả khiến truyện Vàng và máu không huyền hoặc chút nào, tuy đọc nhiều đoạn ta vẫn có cái cảm giác như sống trong một thế giới thần tiên, ma quỷ.
Truyện chỉ là một chuyện để vàng của người Tàu xưa nay các cụ già thường kể cho ta nghe. Nhưng truyện Vàng và máu gần sự thực biết bao. Trong truyện không có sự gì xảy ra mà không hợp lẽ, không có một cái kết quả nào là không có nguyên nhân chắc chắn vững vàng.
Tác giả lại khéo đặt cốt truyện vào giữa một nơi rừng rú sâu thẳm. Đọc truyện, ta tưởng tượng như đứng trước một cảnh vĩ đại, thâm u. Là vì những cảnh tả trong truyện toàn là những cảnh trong đó tác giả đã sống một quãng đời niên thiếu - tôi muốn nói tỉnh Lạng Sơn, nơi sinh quán của Thế Lữ.
Thông tin tác giả
Tác giả: Nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch Thế Lữ (1907-1989), tên thật là Nguyễn Thứ Lễ, bút danh khác: Lê Ta. Quê quán tại làng Phù Đổng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Học trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Năm 1932 ông tham gia Tự lực Văn đoàn, là một trong những cây bút chủ lực của báo Phong hóa, Ngày nay. Từ năm 1937 bắt đầu hoạt động sân khấu kịch và đóng góp không nhỏ trong việc xây dựng nền sân khấu dân tộc. Từ 1957, là chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam…
Ông được giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 2000.
CÁC TÁC PHẨM CHÍNH:
- Vàng và máu (truyện, 1934)
- Mấy vần thơ (thơ, 1935)
- Bên đường Thiên Lôi (truyện, 1936)
- Lê Phong phóng viên (truyện, 1937)
- Mai Hương và Lê Phong (truyện, 1937)
- Đòn hẹn (truyện, 1939)
- Gói thuốc lá (truyện, 1940)
- Gió trăng ngàn (truyện, 1941)
- Trại Bồ Tùng Linh (truyện, 1941)
- Thoa (truyện, 1942)
- Dương Quý Phi (truyện, 1942)
- Ba hồi kinh dị (truyện, 1944)
- Cụ Đạo sư ông (kịch, 1946)
- Đoàn biệt động (kịch, 1947)
- Đợi chờ (kịch, 1949)
- Tin chiến thắng Nghĩa Lộ (kịch, 1952)
- Truyện tình của anh Mai (truyện vừa, 1953)
- Tay đại bợm (truyện vừa, 1953)
- ......
- Thế Lữ
- NXB Kim Đồng
Sản phẩm này chưa nhận được đánh giá nào. Bạn hãy là người đầu tiên đánh giá nhé!