Nghiệp Chướng
Nghiệp Chướng.
Nghiệp Chướng là một câu chuyện độc lập nhưng nằm trong một mạch chuyện gồm ba tác phẩm: MẬT ĐẠO - NGẪU TƯỢNG - NGHIỆP CHƯỚNG, theo dạng thức của một trilogy (tác phẩm bộ ba), trong đó trình bày câu chuyện làm ăn của nhóm GIA ĐÌNH trải qua 3 giai đoạn của lịch sử đương đại nước nhà.
GIA ĐÌNH là một nhóm các nhà tư sản dân tộc Việt, gồm sáu anh em: bác Hai, cô Ba Lệ Hoa, bác Tư, bác Năm Bắc, bác Sáu và chú út Lam, hợp nhau lại để cạnh tranh với các tư sản Pháp, Hoa, Ấn..., đang chi phối kinh tế nước Việt suốt thời Pháp thuộc. Ở Mật Đạo, Gia Đình đã đầu tư vào các đồn điền dọc theo đường số 9 băng ngang tỉnh Quảng Trị đến tận Lào, trong đó còn có mục đích duy trì một con đường bí mật theo “cửa sau” để nối với thế giới bên ngoài. Đây cũng là vùng đất mà vua Hàm Nghi chọn làm kinh đô kháng chiến khi rời kinh thành Huế ra chiếu Cần Vương kháng Pháp. Nghịch lý của lịch sử là chính nơi đây đã trở thành vùng biên địa khi đất nước bị chia đôi vào năm 1954. Số phận của Gia Đình với nhân vật chính là chú Út Lam trong suốt giai đoạn từ 1943 đến 1968 được kể lại trong Mật Đạo.
Ở Ngẫu Tượng, ta gặp diễn biến 55 ngày đêm của chiến dịch Giải phóng miền Nam, bắt đầu từ tháng 3/1975 đến thời điểm đoàn quân giải phóng tiến vào Sài Gòn ngày 30/4/1975, hoàn tất cuộc chiến tranh thống nhất đất nước. Ngẫu Tượng là sự tiếp nối của ba nhân vật: chuẩn tướng Dũng - một người cháu của ông út Lam, ông Cơ - một sĩ quan tình báo cách mạng - bạn của ông Lam và Sơn - đại tá biệt kích VNCH, người đã từng xâm nhập điền trang Ba Đồi bắt cóc ông Lam để truy tìm mật đạo.
Và ở Nghiệp Chướng, vai diễn được trao cho thế hệ kế tiếp, Luân - con của ông Lam - tái ngộ với những người quen cũ tại Sài Gòn sau ngày thống nhất. Các thành viên Gia Đình đã về già, chuẩn bị truyền lại cho thế hệ mới nữa là Tiên...
Trong một bộ ba tác phẩm dạng thức triglory, mỗi tác phẩm đều có thể đứng độc lập, không cần đọc Mật Đạo cũng có thể thích Ngẫu Tượng hoặc Nghiệp Chướng. Dù vậy, khi đặt cả ba trong một mạch chuyện chung sẽ tạo ra một chiều sâu lịch sử cho tác phẩm...
- Lưu Vĩ Lân
- NXB Hội Nhà Văn