Hát (Sách đoạt giải Tiểu thuyết Việt Nam Hội Nhà Văn)
Hát
Kỷ là một người đàn ông ngoài bốn mươi, nghỉ công việc của một kĩ sư tại cơ quan nghiên cứu sau khi đã dành tiền gửi ngân hàng đủ sống qua ngày. Dịp tình cờ anh nghe được mẹ con nghệ nhân ca trù là bà Huệ và Xuân Nương hát trên phố. Anh thích, nảy ra ý định học hát ca trù. Câu chuyện mở đầu như thế. Và độc giả theo Kỷ, không phải học ca trù, không phải khám phá và học hỏi những giá trị nghệ thuật của bộ môn này, mà quan sát lại chính xã hội chúng ta đang sống. Hát mượn cái nền âm nhạc, những câu hát của mọi thể loại, phản ánh hầu như mọi khía cạnh trong mối quan hệ giữa người và người. Trong đó, những tình bạn trân trọng, những tình yêu tiếc nuối, những yêu quý vô tư, những lợi dụng nực cười… xoay quanh cuộc sống của Kỷ, nhân vật chính, cũng là người kể chuyện.
Đánh giá của Phương Nam
Một câu chuyện có nhân vật chính, độc giả dõi theo cuộc đời anh ta, đi qua những sự kiện, quen biết và gặp gờ nhiều nhân vật khác, đó là cấu trúc của một cuốn tiểu thuyết. Nhưng Hát không giống bất cứ cuốn tiểu thuyết hư cấu nào. Nó không kể chuyện nhân vật chính, mà thông quanh anh ta, kể cho chúng ta nghe nhiều câu chuyện khác hơn, phản ánh những vấn đề mà chúng ta có thể gặp hằng ngày chung quanh mình.
Qua Kỷ, người đọc gặp bà Huệ khao khát sống bình yên nhưng nghiệp ca hát đưa bà và cô con gái Xuân Nương đi đi lại lại nhiều nơi, biểu diễn cho nhiều người. Nhưng họ chẳng được hưởng công xứng đáng với cái đẹp họ đang cống hiến, thậm chí dẫn đến hậu quả càng đau lòng hơn mà dù Kỷ có yêu quý họ, dốc lòng dốc sức ra sao vẫn không giúp đỡ nổi.
Những người bạn của Kỷ, từ sơ giao đến thân thuộc, tiêu biểu cho những lớp người trong xã hội. Đại gia Hoàng giàu có, việc kinh doanh ổn định, của cải xài không hết, vẫn lao tâm khổ não với các vụ làm ăn vặt vãnh bởi vì “đời người chẳng bao giờ được yên ở những lúc tưởng như đã yên”. Mặt khác, ở đời, đôi khi ta gặp những người bạn nực cười cho tới lúc ta phải đổi luôn cả số điện thoại. Sinh, con người của văn hóa, yêu sách, yêu nghệ thuật và cho là mình rất có gu. Sinh không bao giờ chịu ăn hay uống ở một quán có bán cả đồ ăn thức uống. Sinh chỉ mời Kỷ ăn ở quán phở bên đường xong lại sang kia đường uống café. Bởi vì anh ta quan niệm, làm một cái không chuyên chú thì chả đâu vào đâu. Nhưng người đọc, thông qua những cú điện của Kỷ, lại thấy Sinh hết xuất hiện ở dự án nghệ thuật này lại mời gọi bạn bè đầu tư dự án văn hóa khác, chẳng dự án nào đi đến kết quả. Một người bạn ăn xổi như thế, sớm muộn cũng trở mặt với con người ù lì như Kỷ và khiến anh phải vứt sim cắt đứt liên lạc.
Người bốn mươi, nhân vật chính của Hát là một người đàn ông bình thường nhưng độc thân. Kỷ từng có người yêu, cả hai sắp đi đến hôn nhân, cuối cùng đường ai nấy đi chỉ vì không hòa hợp trong chuyện “chăn gối”. Nhưng thời gian cho con người ta những bài học sâu hơn, đắt hơn, đến một ngày người phụ nữ rời bỏ anh đã quay lại và thừa nhận “tình dục là cái gì nếu như mình không thực sự thương yêu nhau”.
Hát còn nhiều những nhân vật kệch cỡm, có thể chỉ hư cấu, những cái tên khác đi. Nhưng nếu là người tinh ý, độc giả sẽ nhận ra những điều quen quen. Tác giả đã đưa vào tiểu thuyết những sự kiện từng nóng một thời trong xã hội như chữa bệnh cho cụ rùa, MV Anh không đòi quà, những nhà ngoại cảm… Anh cũng đưa vào rất nhiều những câu hát, những lời nhạc từ mọi thể loại để làm nền và đưa lối cảm xúc, hoặc để phê phán. Truyện mở đầu bằng một bài ca trù, cũng kết thúc bằng những lời ca trù.
Kẻ ở lại người đi ngàn dặm cách
Để lòng ai nặng mối tình say
Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy
Về tác giả
Nhà văn Trần Nhã Thuỵ tên thật là Trần Trung Việt, sinh ngày 17.12.1973 ở Quảng Ngãi. Từ năm 1991 đến nay học và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Tốt nghiệp Khoa Ngữ văn - báo chí Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh.
Hiện làm việc tại Ban Văn hoá - văn nghệ báo Tuổi Trẻ.
Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2011.
Tác phẩm đã xuất bản:
- Lặng lẽ rừng mai (tập truyện ngắn)
- Thị trấn có tháp đồng hồ (truyện dài)
- Những bước chậm của thời gian (tập truyện ngắn)
- Gối đầu trên mây (tập tạp văn)
- Sự trở lại của vết xước (tiểu thuyết)
- Chàng trẻ măng ở phố treo đầu (tập truyện ngắn)
- Cuộc đời vui quá không buồn được (tập tạp văn)
- Mùi (tập truyện ngắn và tạp văn)
Giải thưởng văn học:
- Giải thưởng Truyện ngắn trẻ (báo Văn Nghệ Trẻ- Hội Nhà văn Việt Nam 1998).
- Giải thưởng Truyện ngắn Văn học cho tuổi trẻ (NXB Thanh Niên - báo Văn Nghệ - Hội Nhà văn VN 2003).
- Tặng thưởng Hội Nhà văn TP.HCM cho tiểu thuyết Sự trở lại của vết xước (năm 2009).
- Trần Nhã Thụy
- NXB Hội Nhà Văn
Sản phẩm này chưa nhận được đánh giá nào. Bạn hãy là người đầu tiên đánh giá nhé!