Lịch Sử Văn Minh Thế Giới IV - Thời Đại Đức Tin - Tập 5: Đời Sống Tinh Thần Trong Thế Giới Thiên Chúa Giáo Miền Tây
Phần IV của The Story of Civilization - Lịch Sử Văn Minh Thế Giới của Durant, như ông mô tả bên ngoài tựa đề, là “Lịch sử văn minh Trung cổ - Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, và Do Thái giáo - từ Constantinus đến Dante, từ năm 325 đến 1321.” Tác giả bao quát một lãnh vực rất rộng lớn với tính hàm súc tuyệt vời, và việc đó, tất yếu, liên quan đến phép đơn giản hóa và đánh giá nhanh nhạy. Nhưng như một pho sử dành cho độc giả phổ thông, đây chắc chắn là một công việc đỉnh cao - được viết một cách sinh động, uyên bác, đầy ý thức và tinh thần. Không phải là một người hoài nghi hay một người duy vật chủ nghĩa cứng rắn, Durant không có xu hướng tôn kính vốn gần đây gây ra một sự lý tưởng hóa nào đó về thời đại này. Ông viết về những ý tưởng tâm linh của thời đó với sự ngưỡng mộ và về nghệ thuật của nó với sự nhiệt tình, nhưng vẫn nhìn “thói mê tín, cảnh khốn khổ, những cuộc chiến tranh không đáng có, và những tội ác kinh khủng” theo đúng bối cảnh của chúng. (tạp chí The Atlantic, tháng Một 1951)
Phần này trình bày nhiều khía cạnh của bốn nền văn minh Byzantium, Hồi giáo, Do Thái giáo, và Tây Âu trong khoảng gần ngàn năm, từ 325 đến 1321. Khoảng 1/5 số trang của Phần này được dành cho văn minh Hồi giáo trong giai đoạn rực rỡ của nó ở Baghdad, Qahirah (Cairo), và Cordoba. Trước Durant, chưa có học giả Thiên Chúa giáo nào, trong một tác phẩm về thời trung cổ, lại công nhận rộng rãi đến như vậy đối với những thành tựu của Hồi giáo trong cai trị, văn học, y học, khoa học, và triết học. Và ba chương về cuộc sống của người Do Thái thời trung cổ cho thấy sự thông cảm đáng ngạc nhiên một nền văn hóa thường được xem là xa lạ. Giáo sư Allan Nevins, Trường Đại học Columbia, viết về Phần IV này như sau:
“Tôi đặc biệt hài lòng khi đọc The Age of Faith của Will Durant mà đối với tôi, nó dường như là một kỳ công tổng hợp và diễn giải rất đáng chú ý. Tôi coi đây là tài liệu tổng hợp hay nhất về nền văn minh thời trung cổ từng được in. Bộ sách tuyệt vời của Durant theo thời gian phải được công nhận - nếu như nó chưa được công nhận - là một trong những tác phẩm xuất sắc trong ngành viết sử của Mỹ.”
Nó cũng là một cuốn sách bán chạy nhất. Như tờ The New York Times ghi nhận trong bài tưởng niệm Durant khi ông qua đời năm 1981: “Cuốn Rousseau and Revolution, vốn giành được giải Pulitzer cho tác phẩm phi hư cấu phổ thông năm 1968 và là một lựa chọn của câu lạc bộ Book-of-the-Month Club, là cuốn sách, cũng như 10 phần còn lại của bộ sách này, nằm trong danh sách bán chạy nhất. Nó bán ra được hơn hai triệu bản bằng chín thứ tiếng, một lượng độc giả lớn mà rất ít sử gia giành được.”
Năm 1975, tờ The New York Times viết rằng Will và Ariel Durant là "Những nhà sử học vĩ đại nhất trong thời đại của chúng ta.”
Chúng ta cũng nên đọc thêm một đoạn văn của Durant để hiểu thêm về quan điểm của ông khi viết lịch sử văn minh:
“Có lẽ nguyên nhân của chủ nghĩa bi quan hiện thời của chúng ta là do khuynh hướng của chúng ta coi lịch sử như một dòng hỗn loạn của những xung đột - giữa các cá nhân trong đời sống kinh tế, giữa các phe nhóm trong chính trị, giữa các tín điều trong tôn giáo, giữa các quốc gia trong chiến tranh. Đây là mặt giàu kịch tính của lịch sử; nó thu hút được sự chú ý của nhà sử học và sự quan tâm của người đọc. Nhưng nếu quay khỏi dòng chảy đầy xung đột, nóng bỏng vì thù hận và đen đặc những máu, để nhìn ra hai bên bờ của dòng chảy, chúng ta sẽ thấy những khung cảnh yên tĩnh hơn nhưng giàu cảm hứng hơn: những phụ nữ nuôi con, đàn ông xây nhà, nông dân kiếm thức ăn từ đất, những người thợ tạo ra những tiện nghi cho cuộc sống, những chính khách đôi khi tổ chức hòa bình thay vì chiến tranh, những giáo viên biến những kẻ hoang dã thành công dân tử tế, những nhạc sĩ thuần hóa trái tim chúng ta bằng sự hòa điệu và tiết tấu, những nhà khoa học kiên nhẫn tích lũy kiến thức, những triết gia lần tìm chân lý, những vị thánh gợi mở sự khôn ngoan của tình yêu. Lịch sử rất thường bị mô tả như một bức tranh của dòng chảy đầy máu. Lịch sử của nền văn minh là bản ghi chép về những gì đã xảy ra trên hai bên bờ.” (theo bài “The Gentle Philosopher” (2006) của John Little đăng trên https://www.will-durant.com/)
Viết về tôn giáo, như trong Phần IV này, là việc rất tế nhị vì dễ gây đụng chạm. Durant ý thức rõ về điều đó, như ông viết trong lời nói đầu của Phần VI (The Reformation):
“…hầu hết mọi lời mà người ta viết về nó [tôn giáo] đều có thể bị tranh cãi hoặc gây mích lòng. Tôi đã cố gắng giữ thái độ vô tư, mặc dù tôi biết rằng quá khứ của mỗi người luôn nhuộm màu cho quan điểm của anh ta, và không có gì khó chịu bằng sự vô tư. Bạn đọc nên được thông báo trước rằng tôi đã được nuôi dạy như một người Công giáo nhiệt thành, và tôi lưu giữ những kỷ niệm đầy hàm ân về các linh mục triều tận tụy, những tu sĩ Dòng Tên uyên bác, và những nữ tu tử tế đã kiên nhẫn chịu đựng tuổi trẻ bồng bột của tôi; nhưng bạn cũng nên lưu ý rằng tôi có được phần lớn học vấn từ việc giảng dạy trong mười ba năm trong một nhà thờ Trưởng Lão dưới sự bảo trợ khoan dung của những tín đồ Tin Lành đích thực…; và rằng nhiều học viên bền bỉ nhất của tôi trong nhà thờ Trưởng lão đó là những người Do Thái mà lòng khao khát học vấn và hiểu biết của họ đã cho tôi một cái nhìn sâu sắc mới về dân tộc của họ.”
Lịch Sử Văn Minh Thế Giới - Phần IV - Thời Đại Đức Tin được chia thành 5 tập:
1. Byzantium thời tuyệt đỉnh
2. Văn minh Hồi giáo và Do Thái
3. Thời kỳ Tăm tối
4. Đỉnh cao của Thiên Chúa giáo
5. Đời sống tinh thần trong thế giới Thiên Chúa giáo miền Tây
- Will Durant
- NXB Khoa Học - Xã Hội
Sản phẩm này chưa nhận được đánh giá nào. Bạn hãy là người đầu tiên đánh giá nhé!