Thiệu Bảo Bình Nguyên - Tập 3: Sơn Hà Rực Lửa
Thiệu Bảo Bình Nguyên - Tập 3: Sơn Hà Rực Lửa
Thiệu Bảo Bình Nguyên là bộ tiểu thuyết lịch sử về thời kỳ bi tráng của một dân tộc nhỏ yếu đã vượt qua nỗi sợ hãi mà vươn lên đánh bại kẻ thù hùng mạnh gấp bội, đấy chính là cuộc chiến năm 1285.
Trải qua gần 30 năm hòa bình yên ổn sau cuộc chiến chống Nguyên Mông lần thứ nhất (từ đầu năm 1258 đến cuối năm 1284) nhưng người Việt Nam vẫn phải sống trong trạng thái âu lo thường trực trước một đế chế Nguyên Mông hình thành và ngày càng lớn mạnh. Sau khi diệt Nam Tống (1279), dã tâm chiếm đoạt Đại Việt của Nguyên triều cũng lớn dần lên theo năm tháng, với các yêu sách ngày càng bạo ngược, sức o ép ngày càng quyết liệt, sự dọa nạt ngày càng hung tợn, tất cả chỉ nhằm mục đích quay ngược bánh xe lịch sử để một lần nữa trói buộc dân ta trong cái cũi châu quận như thời Bắc thuộc. Thực trạng ấy làm rúng động một bộ phận không nhỏ cấu trúc thượng tầng xã hội Việt Nam đương thời. Họ là những người thuộc giai tầng tinh hoa làm nên diện mạo thời đại nhưng đã thật sự run sợ trước gã khổng lồ có sức mạnh hủy diệt lại rất giỏi dùng bả danh lợi câu nhử mấy kẻ yếu bóng vía.
Lâu nay chúng ta rất biết ca ngợi những chiến công hiển hách chống giặc ngoại xâm của ông cha thuở trước. Nhưng chúng ta lại quên nhắc đến nỗi sợ hãi của dân tộc hay chí ít là của một bộ phận dân tộc trước một kẻ thù hùng mạnh và cường bạo. Song, nỗi khiếp sợ ấy có thật trong những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XIII. Bởi tham sống sợ chết, nhiều người chấp nhận khom lưng quỳ gối hàng giặc rồi ngã lòng nuốt trọn miếng mồi vinh hoa phú quý của kẻ thù mà phản bội vương triều, phản bội đất nước. Trong lịch sử các triều đại Việt Nam, không có thời nào mà số người thuộc bộ phận tinh túy của xã hội lại đầu hàng giặc đông đảo như trước và trong cuộc chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai. Đó là Trần Di Ái, Trần ích Tắc, Trần Kiện, Trần Tú Hoãn, Trần Lộng, Phạm Cự Địa, Lê Diễn, Trịnh Long, Lê Tắc và vô số vương hầu, quan tướng khác. Trong số ấy có đủ cả con vua, cháu vua, anh em vua và chú bác vua. Có những kẻ dẫn gia quyến và tôi tớ hàng trăm người theo giặc, có những tướng đem cả đội quân về hàng Nguyên. Chính từ nỗi lo âu trong tình thế bi đát đã khiến Trần Thánh Tông phải ướm lời thử lòng xem Hưng Đạo vương có ý định đầu hàng? Cũng chính từ sự lo hoảng trong lúc bị vây hãm ráo riết đã dẫn đến một nước cờ đau lòng, khi các vua quyết định dâng công chúa An Tư cho Thoát Hoan với hy vọng sẽ khiến tướng giặc thỏa mãn mà không quyết liệt vây đánh. Cũng chính từ thực trạng hoang mang khiếp sợ và có ý hàng giặc của nhiều văn thần võ tướng, nên khi xét công luận tội quần thần sau hai cuộc chiến 1285 và 1288, vua Trần đã sai đốt cả một hòm chứa đầy biểu sớ xin hàng "để làm yên lòng những kẻ phản trắc" (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư - Bản Kỷ - Quyển V), trong đó chủ yếu thuộc về cuộc chiến 1285.
Nhưng cũng từ nỗi khiếp sợ ấy vẫn có một bộ phận ưu tú đã chiến thắng tư tưởng nhu nhược còn lẩn khuất đâu đó trong tâm can của chính họ và trong thái độ buông xuôi của những người quanh họ, mà vươn lên giương cao ngọn cờ dân tộc, tập hợp lực lượng toàn dân, nắm chắc gươm giáo, xông pha tuyến đầu, quyết một phen sống mái với kẻ thù phương Bắc. Nếu cho rằng Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông là linh hồn của cuộc chiến vệ quốc, thì Hưng Đạo Vương và một số cá nhân tiêu biểu khác chính là bộ khung vững chắc của cỗ máy chiến tranh Đại Việt, là lực lượng lãnh đạo chủ chốt quyết định sự thắng bại của chiến cuộc...
Bối cảnh rối ren trước cuộc chiến năm Thiệu Bảo với lòng người phân rẽ và mối uy hiếp rùng rợn từ phương Bắc đã sản sinh ra những con người tuấn kiệt vươn lên hàng đầu dẫn dắt cả dân tộc vượt qua nỗi khiếp hãi mà quyết tử với kẻ thù. Giai đoạn đầu của cuộc chiến năm ấy thật gian nan, tàn khốc và không ít lần quân dân Đại Việt bị thảm bại, nhưng kết cục chúng ta đã toàn thắng do biết khai thác nhược điểm của giặc, hạn chế yếu điểm của ta, phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc kết hợp với nghệ thuật quân sự tài ba và khả năng chỉ đạo chiến tranh của những vị tướng lĩnh kiệt suất. Ngoài các tướng soái hàng đầu, sử sách còn ghi lại dấu ấn của rất nhiều nhân vật hiển hách như Trần Quốc Toản, Trần Bình Trọng, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Khoái, Đỗ Khắc Chung, đến cả những gia nô, tì tướng như Yết Kiêu, Dã Tượng, Nguyễn Địa Lô, các thủ lĩnh miền núi Nguyễn Khả Lạp, Nguyễn Truyền, Nguyễn Thế Lộc, Nguyễn Lĩnh, Hà Đặc, Hà Chương cũng góp mặt. Sử sách còn ghi lại, nhiều hơn bao giờ hết trong thời Trần, các tình tiết, sự kiện đẩy chất bi hùng về cuộc chiến này.
Không cuộc chiến nào là dễ dàng cả. Nhưng nếu khắc họa được nỗi sợ hãi và sự mất mát trong chiến tranh thì mới thấy hào quang chiến thắng đẹp đẽ biết dường nào. Tại sao lại không nhỉ? Hãy mạnh dạn phơi bày sự khiếp đảm của con người khi bước vào cuộc chiến, từ đấy mà tôn vinh những bậc cái thế dũng mãnh đạp lên tư tưởng yếu hèn để phất cờ tụ nghĩa, đánh giặc cứu nước; từ đấy mà ghi nhớ công lao của hàng vạn chiến sĩ vô danh đã không tiếc máu xương trong cuộc chiến bảo vệ nền tự chủ của sơn hà xã tắc. Chiến thắng đâu chỉ là thành quả được nuôi dưỡng từ máu thịt đổ xuống, nó còn được kết tinh bởi hệ quả vượt lên chính mình, vượt qua nỗi run rẩy phải đối chọi với một thế lực ma quỷ đang làm mưa làm gió trên địa cầu. Theo tôi, nếu viết truyện sử nhà Trần, thời kỳ đen tối và bi tráng năm Thiệu Bảo là một lựa chọn xứng đáng nhất.
- Hồng Thái
- NXB Trẻ
Sản phẩm này chưa nhận được đánh giá nào. Bạn hãy là người đầu tiên đánh giá nhé!