Trời Vẫn Còn Xanh, Em Vẫn Còn Anh
Trời Vẫn Còn Xanh, Em Vẫn Còn Anh
Trời Vẫn Còn Xanh, Em Vẫn Còn Anh là quyển sách thứ sáu của tác giả best-seller Anh Khang (Hội viên Hội Nhà văn TP.HCM, và cũng là chủ nhân của hai tựa sách bán chạy nhất nhì trong cả hai kỳ Hội sách TP.HCM lần 8 & 9 vào năm 2014 - 2016). Tác phẩm này đánh dấu chặng đường năm năm kể từ ngày đầu tiên Anh Khang xuất hiện trên văn đàn vào năm 2012 với những trang viết như nói thay tâm tình của bao người trẻ Việt.
Gần 5 năm qua, Anh Khang đang dần tiến gần đến vị trí “nhà văn triệu bản” khi đã có hơn 600.000 bản sách được tiêu thụ trên thị trường: Ngày trôi về phía cũ (Tản văn - 2012), Đường hai ngả, người thương thành lạ (Tập truyện ngắn - 2013), Buồn làm sao buông (Tản văn - 2014), Đi đâu cũng nhớ Sài Gòn và em (Du ký - 2015), Thương mấy cũng là người dưng (Tản văn - 2016). Vậy, tâm tình của Anh Khang ở năm 2017 với tập truyện ngắn Trời Vẫn Còn Xanh, Em Vẫn Còn Anh có điều gì khác biệt so với Anh Khang của những năm trước đó?
Qua năm tác phẩm đã xuất bản trước đây, người đọc dễ dàng tìm được sự đồng cảm với Anh Khang ở những dòng chữ mang nhiều màu sắc hoài niệm, trầm mặc trong những câu chuyện về tình yêu dở dang, hồi ức về một người từng yêu thương gắn bó. Khi gõ google bốn chữ “nhà văn Anh Khang”, dễ dàng thấy báo giới truyền thông đã ưu ái dành cho anh những lời khen như “hoàng tử làng sách”, “nhà văn của nỗi buồn”… Thế nên dễ hiểu, “nỗi buồn” đã gắn mác với tên tuổi của chàng văn sĩ thư sinh này.
Trong Trời Vẫn Còn Xanh, Em Vẫn Còn Anh – tập truyện ngắn thứ hai của Anh Khang, được ví như phần tiếp theo của tập truyện Đường hai ngả, người thương thành lạ - Anh Khang vẫn viết về tình yêu với những câu chữ dịu dàng, suy tư. Tuy nhiên, Anh Khang của 2017 có lẽ đã trưởng thành hơn trong ngòi bút lẫn tâm tình khi anh chọn đối diện với nỗi buồn bằng thái độ bình thản, lạc quan và hướng người đọc tin tưởng vào chính sức mạnh ý chí của bản thân. Những nhân vật của anh điềm đạm hơn khi nghĩ về mất mát quá khứ và họ cố gắng để sống tích cực hơn ở hiện tại, những câu chuyện dù kết thúc vui hay buồn đều ươm mầm trong đó một tia sáng hi vọng.
Tinh thần này toát ra ngay từ tiêu đề của tác phẩm với lối văn biền ngẫu và điệp từ “vẫn còn” được nhấn mạnh hai lần như muốn khẳng định rằng những điều tốt đẹp “vẫn còn” tồn tại và sẽ luôn còn tồn tại. Nếu ví những tác phẩm trước đây của Anh Khang như những cơn mưa trĩu nặng nỗi niềm thì Trời Vẫn Còn Xanh, Em Vẫn Còn Anh chính là bầu trời trong xanh hơn, an lành hơn sau những cơn mưa ấy. Bởi như chính tác giả tự nhận xét về bản thân: “Trong mắt người ngoài, tôi là một nhà văn quẩn quanh bên sách vở. Trong mắt bạn bè, tôi là một kẻ khờ lắm điều mộng mơ. Trong mắt bố mẹ, tôi là một đứa trẻ không bao giờ chịu lớn. Trong mắt người tôi thương, tôi là một tiếng thở dài cũ kỹ. Trong mắt chính mình, tôi chỉ là một bầu trời xanh, luôn mong mình trở lại màu trong vắt và thanh tân - dẫu sau bao lần mưa giăng mây xám”. Và “bầu trời xanh” mang tên Anh Khang này đang từng bước soi chiếu thứ ánh sáng của niềm tin, lan toả những ước nguyện trong lành và gieo vào lòng người đọc những dư vị cảm xúc dễ chịu - bên cạnh nỗi buồn.
Nếu nỗi buồn trước đây trong trang sách của anh Khang là một thứ cảm xúc rất con người, rất nhân văn mà bất kỳ một người trẻ nào cũng phải trải qua trên hành trình trưởng thành, thì nỗi buồn trong Trời Vẫn Còn Xanh, Em Vẫn Còn Anh lại chính là sự cân bằng an nhiên của một người đã bước qua thăng trầm và đón nhận nỗi buồn như một cố nhân tri kỷ. Anh bảo: “Tôi xem nỗi buồn ngày cũ như một hành trang cần thiết để đến gặp niềm vui trong tương lai. Bởi phải làm lành với quá khứ, thì chúng ta mới có thể nhẹ nhõm tìm thấy hạnh phúc ở hiện tại”.
Bên cạnh những câu văn xuôi trầm bổng như thơ - thế mạnh đặc trưng trong văn của Anh Khang - thì Trời Vẫn Còn Xanh, Em Vẫn Còn Anh cho thấy rõ người viết trẻ này rất có ý thức trong việc xây dựng cấu trúc hình thức truyện. Anh Khang không vội vã để người đọc tiếp xúc ngay với nội dung chính trong các truyện ngắn của anh. Như một người bạn dẫn đường chân thành, anh chậm rãi hướng dẫn người đọc những bước chuẩn bị cần thiết trước khi thâm nhập vào tâm tình sâu kín của các nhân vật. Mười truyện ngắn trong tập truyện này đều bắt đầu bằng một đoạn trích dẫn ngắn thể hiện quan điểm nhất quán của câu chuyện, nó như một lời tự sự của chính tác giả để khởi nguồn suy nghĩ cho nhân vật chia sẻ về cuộc sống, về tình yêu. Sau khoảnh khắc lắng đọng súc tích ấy là phần “Dẫn đề” với những chia sẻ quan điểm của Anh Khang về câu chuyện, vừa dưới góc nhìn của người ngoài cuộc, vừa dưới góc nhìn của người trong cuộc đã từng trải. Qua hai bước chuẩn bị trên, cuối cùng độc giả mới chính thức bước vào câu chuyện anh kể. Có thể tạm chia cấu trúc một truyện ngắn của Anh Khang thành ba phần như sau: Lời tựa – Dẫn đề – Câu chuyện. Ba phần này như ba góc khác nhau của một “kim tự tháp cảm xúc”, chúng va đập vào nhau tạo ra vọng âm đa thanh cho câu chuyện. Có thể nói, Anh Khang là nhà văn trẻ hiếm hoi trên thị trường sách trẻ hiện nay có thể biến hóa ngòi bút đa dạng với nhiều thể loại khác nhau, chứ không đơn thuần chỉ viết sách tản văn để “chiều lòng” thị hiếu như nhiều cây bút trẻ đương thời.
Những câu chuyện trong Trời Vẫn Còn Xanh, Em Vẫn Còn Anh diễn ra dưới nhiều nơi chốn mà Anh Khang đã đi qua, thể hiện nhiều cảm thức văn hóa khác nhau: Trời vẫn còn xanh (Hy Lạp), Kinh thành ký ức (Pháp), Rồi sẽ có một ai đó thương em (Hàn Quốc), Khóc dưới chân Nguyệt Lão (Hong Kong), Đừng nhắc chuyện đã từng (Nhật Bản), Đôi lúc cũng nên hoang đường (Úc)… Nhưng những nhân vật của Anh Khang dù đi xa đến đâu cũng luôn giữ trong tim một bóng hình, một tình yêu. Vì vậy, không gian thay đổi liên tục trong truyện của Anh Khang không phải là để nhân vật khám phá những điều mới mẻ của ngoại cảnh, ngược lại, đi xa dường như là cách để họ nhìn lại bản thân mình trong sâu thẳm, là cách để họ gặp gỡ lại một-phần-đã-mất-của-mình và cũng là cơ hội để họ gặp gỡ những con người sẽ-là-một-phần-của-mình. Đó là cách họ vượt qua mất mát.
“Sau tất cả, màu trời trên đầu chúng ta vẫn mỗi ngày còn đó thanh tân, thì cũng sẽ luôn còn đó một người vì ta mà ở lại. Bởi đến cuối cùng, cho dù bất kỳ điều gì xảy ra, thì chỉ cần còn nhau là sẽ còn tất cả, có phải không?”
Anh Khang đã viết như thế ở phần lời tựa của tác phẩm này. Và dường như, những truyện ngắn anh viết trong Trời Vẫn Còn Xanh, Em Vẫn Còn Anh là để trả lời cho câu hỏi ấy. Đáp án ấy có thể sẽ khác nhau với mỗi người, nhưng có lẽ khi đọc xong Trời Vẫn Còn Xanh, Em Vẫn Còn Anh và gấp lại quyển sách này, vào khoảnh khắc ấy, bạn sẽ mỉm cười hạnh phúc với câu trả lời trong lòng mình. Chỉ cần còn nhau là sẽ còn tất cả.
Sản phẩm này chưa nhận được đánh giá nào. Bạn hãy là người đầu tiên đánh giá nhé!