Yêu Người Tử Tù
Mười lăm năm trước, Yoo Jeong từ một cô bé hiền lành, chăm chỉ, ngoan ngoãn đã chịu một cú sốc lớn khiến cuộc đời cô hoàn toàn thay đổi. Sau lần tự tử thứ ba bất thành, cô trót hứa với cô Mônica, là cô ruột và cũng là một nữ tu, phải tới trại giam Seoul để gặp những người tử tù. Tại đây, cô đã gặp Yoon Soo - một kẻ giết người bị kết án tử hình.
Mặc dù rất ghê tởm tội ác của anh ta, nhưng có một điều gì đó trong sâu thẳm tâm hồn người đàn ông này khiến Yoo Jeong chú ý. Cô trở lại thăm anh vào tuần tiếp theo, rồi những tuần tiếp theo nữa... Dần dà, một thứ tình cảm khác lạ đã nhen nhóm lên bên trong họ. Nó như một phép màu quyền năng giúp họ vượt qua những thương tổn, làm thay đổi con người và niềm tin của họ. Cho đến khi cả hai có thể gọi tên mối quan hệ ấy thì chợt nhận ra thời gian hạnh phúc còn lại quá ngắn ngủi...
Về tác giả
Gong Ji-Young bắt đầu hoạt động sáng tác từ năm 1988 sau khi cho xuất bản tập truyện ngắn mang tên Bình minh đang hé trên tạp chí Sáng tác và phê bình số mùa thu.
Các tác phẩm chính:
- Tiểu thuyết: Không có sự lang thang nào tươi đẹp hơn; Và, sự khởi đầu tốt đẹp của họ; Đi một mình như sừng tê giác; Cá thu; Cô gái hiền lành; Chị Bong Soon.
- Tập truyện ngắn: Lễ nghĩa về con người; Sự tổn tại rơi nước mắt; Cánh đồng của những vì sao.
- Các tập tản văn: Linh hồn không có vết thương; Hành trình cầu nguyện của Gong Ji-Young.
Các giải thưởng:
- Giải thưởng Văn học thế kỷ 21.
- Giải thưởng Văn học của Hiệp hội tiểu thuyết gia Hàn Quốc.
* * * * * * *
Tôi đã trải qua một quãng thời gian vô cùng hạnh phúc khi tôi viết cuốn tiểu thuyết này.
Những người biết tự kiểm điểm lại bản thân mình,
những người như được tái sinh một lần nữa,
những người vừa phải sống vừa phải chống chịu những nỗi đau đớn tột cùng,
cả những người đã sẵn sàng dang tay chấp nhận tha thứ tội lỗi cho kẻ khác dù không dễ dàng gì,
cùng với họ, tôi đã trải qua “Một khoảng thời gian hạnh phúc”
Tôi vẫn còn nhớ rõ ngày 30 tháng 12 năm 1997. Hôm đó, khi ánh mặt trời đã gần tắt lịm, tôi nhớ mình đã đi qua một con đường hơi tối và ít người qua lại. Tôi đã đứng lại và nhìn ngó xung quanh. Thật là lạ! Những ánh đèn điện quang xung quanh đó hôm nay cũng có vẻ hơi tối, thậm chí cả những tiếng động xung quanh cũng nhỏ hơn so với bình thường. Và lúc ấy không hiểu sao bỗng dưng tôi có cảm giác như là cả đất nước này đang nằm lặng im như những nấm mồ vậy. Tối hôm đó tôi đã có buổi liên hoan cuối năm với mấy người bạn làm trong nhà xuất bản ở Mapo, tôi có uống chút rượu với họ rồi khi tan cuộc tôi đã đi taxi về. Những buổi gặp mặt cuối năm như vậy thường kéo dài tới tận khuya nhưng hôm ấy bữa tiệc của chúng tôi lại kết thúc khá sớm, có lẽ là do đất nước đang bước vào thời kỳ khủng hoảng IMF nên tất cả mọi người đều không có tâm trạng vui chơi nhảy múa cuối năm. Nhìn lại một năm đã qua, tôi tự thấy mãn nguyện với chính bản thân mình, vì đúng là tôi đã trải qua một năm có thể nói là vô cùng hạnh phúc. Tôi đã xuất bản được một cuốn sách mà tôi khá tâm đắc, viết trong khoảng năm năm gần đây, cũng như phản ứng của độc giả với đứa con tinh thần ấy của tôi cũng khá tốt. Tôi cũng đã có một chuyến đi du lịch nước ngoài rất vui vẻ, thêm nữa tôi còn dành dụm được một chút tiền tiết kiệm gửi trong ngân hàng. Và tất nhiên, điều tôi cảm thấy mãn nguyện hơn cả chính là các con của tôi lúc nào cũng khỏe mạnh, vui vẻ và học tốt. Khi taxi đi đến gần bờ sông Gang Buk, tôi mới thôi nghĩ lan man và để ý đến giọng nói của cô phát thanh viên trên chiếc radio mà bác tài xế taxi bật từ ban nãy. “Hôm nay, lúc mười giờ sáng, các trại giam trong cả nước đã tiến hành thi hành án tử hình với hai mươi ba tù nhân - một con số có thể nói là nhiều nhất trong vòng mấy chục năm trở lại đây”. Khi nghe tin đó không hiểu sao môi tôi tự dưng mím chặt lại. Và dường như có một cái gì đó đang nghèn nghẹn nơi cổ họng. Rồi tôi bỗng tự hỏi, liệu cái hạnh phúc mà tôi đang có đó, có phải là hạnh phúc thật sự hay không? Nhìn qua cửa kính xe taxi tôi tưởng tượng dòng sông kia là một mái tóc đen suôn mượt cứ dài mãi dài mãi, vô cùng vô tận. “Mọi thứ trên thế gian này chẳng biết có phải là do một kỳ tích nào đó tạo nên hay không?” - tôi tự hỏi và tôi nhớ lại những ký ức về cái ngày đó. Rồi những ký ức và những khoảnh khắc khó quên ấy cứ thế hiện ra rõ mồn một ngay trước mắt tôi. Cứ như là chính chúng đã viết lên toàn bộ cuốn tiểu thuyết này.
Mùa thu năm ngoái, tôi đã quyết định chọn đề tài này và bắt đầu đi đến trại giam tham gia những buổi lễ cầu nguyện dành riêng cho các phạm nhân nữ. Do gần đến Trung thu nên những tình nguyện viên qua lại khu trại giam ấy hơn chục năm nay đã làm rất nhiều món ăn ngon mang đến, mà chắc cũng do gần đến Trung thu nên nơi này có vẻ đông vui tấp nập nhiều người đến thăm hỏi hơn thường lệ. Ngày đầu tiên đến trại, Đức Cha ở đây đã nói đùa với tôi rằng, đây là một “tu viện biệt lập”. Và tôi vừa cười vừa bước vào bên trong. Trước khi bắt đầu buổi lễ cầu nguyện, Đức Cha có hỏi tất cả mọi người ngồi ở phía bên dưới là những ai đã đọc hai tác phẩm: Nhật ký cầu nguyện và Chị Bong Sun thì giơ tay lên. Thật bất ngờ là không chỉ có một hai cánh tay mà rất nhiều cánh tay đã giơ lên. Rồi Đức Cha lại hỏi: “Thế mọi người thấy tác giả của những tác phẩm đó thế nào?”. “Tôi không thích tác giả đó!” - có mấy người đã trả lời như thế. Lúc ấy tôi chỉ ngồi im lặng lắng nghe và mỉm cười. Đức Cha lại nói: “Hôm nay tác giả của những tác phẩm ấy cũng có mặt ở đây đấy, không biết mọi người có muốn gặp mặt hay không?”, rồi quay sang giới thiệu tôi. Thực ra, tôi không thích việc đứng lên và nói chuyện về bản thân mình trước mặt những người khác, nhưng trong tình huống này đúng là tôi không thể từ chối được. Do không chuẩn bị trước mà thực ra tôi cũng chẳng biết là mình phải nói gì, nên tôi đành cứ nói ra những điều tôi nghĩ trong lúc đi lên đứng cạnh Đức Cha. “Nếu nhìn theo con mắt của Chúa, biết đâu tôi lại là một kẻ có tội, chỉ có khác là các vị phải ở trong này còn tôi thì được ở bên ngoài kia mà thôi...”. Nói xong tôi nghe thấy có những tiếng thút thít khóc và những âm thanh đó cứ to dần lên. Và hình như đi kèm với những âm thanh đó là những lời cầu nguyện. Tôi hơi thoáng bất ngờ. Tôi nhanh chóng nói thêm vài câu nữa rồi đi về phía chỗ ngồi. Tôi đưa mắt nhìn xung quanh một lượt. Tôi thấy hầu như toàn những người hơn hoặc kém tôi khoảng gần chục tuổi. Tất cả những phạm nhân nữ ngồi quanh đó, khi ở trong gia đình, họ có thể là mẹ, là con, là chị hoặc là em gái, nhưng... họ bỏ lại con cái họ rồi ở đây như thế thì chúng sẽ ra sao nhỉ, cả bố mẹ của họ nữa? - Tôi lan man nghĩ. À, mà không hiểu tại sao họ lại phải ở đây, không biết họ đã gây ra những tội lỗi gì, đáng ra họ đừng làm như vậy mới phải chứ! Rồi như có ai đó hỏi vọng lại vào tai tôi: “Còn cô thì sao, tại sao cô lại không giống họ?” - chính là cái câu hỏi ấy. “Tôi...” - Tôi đang định trả lời thì thấy mọi người xung quanh vừa cầu nguyện vừa thút thít khóc làm tôi bất giác cũng khóc theo họ. Khi buổi lễ cầu nguyện kết thúc, tôi đứng dậy định đi ra ngoài thì có một người phụ nữ tiến lại gần phía tôi và đột nhiên cầm lấy bàn tay của tôi. “Tôi... chính tôi là người lúc nãy đã nói không thích tác giả Gong Ji Young đây, tôi xin lỗi, thực ra trước đây tôi đã ao ước mong được gặp chị dù chỉ một lần...”. Cả tôi lẫn người phụ nữ ấy chợt cùng nhìn vào mắt nhau, tôi vội nói: “Dạ không sao!”. “Vậy... bây giờ gặp tôi ở đây chị thấy thế nào?” - Tôi định hỏi thêm câu ấy nhưng lại thôi. Tôi và người phụ nữ ấy đứng nắm chặt tay nhau một lúc lâu dù đây là lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau. Và thật kỳ lạ. Tôi có cảm giác như tôi và người phụ nữ ấy đã quen nhau từ lâu và hôm nay tình cờ được gặp lại.
Sau đó gần như là hôm nào tôi cũng đến đây gặp mặt và nói chuyện với họ - những người có liên quan tới các phạm nhân tử tù. Họ là thanh tra, là người quản giáo, là các tù nhân, là Đức Cha, là luật sư, là các bà Sơ, là các y bác sĩ hay đơn giản chỉ là những người giúp việc ở trong trại giam. Rồi khi về nhà, tôi lại tìm đọc những ghi chép liên quan đến các vụ giết người, các vụ bạo hành bạo lực. Hồi đầu, mỗi khi trời bắt đầu xâm xẩm tối là tôi lại có cảm giác lo sợ và bất an, thậm chí có hôm tôi còn không dám đọc lại bất cứ một tài liệu ghi chép nào. Cả khi đi ngủ tôi cũng thường xuyên gặp phải ác mộng hoặc bị giật mình tỉnh giấc giữa đêm. Tôi thấy nhiều lúc cuộc sống này cứ giống như một con đường đèo ngoằn ngoèo chật chội, đầy hiểm ác, cũng như mọi người trên thế gian này cứ lạnh lùng vô cảm giống như những ác ma không có linh hồn trong cuốn truyện Harry Potter. Trước đây, tôi đã sống và lớn lên cùng với những người bình thường xung quanh rồi đến khi trưởng thành tôi cũng chỉ gặp gỡ, giao lưu với những con người ấy. Nhưng hình như, so với sự tưởng tượng của tôi thì thế gian này nó lạnh lùng và vô cảm hơn rất nhiều. Và không biết có phải là do lúc nào tôi cũng cảm thấy xung quanh mình toàn người lạnh lùng vô cảm, hay là tại do cái khí lạnh của mùa đông mà dạo này tay chân tôi lúc nào cũng cảm thấy đau nhức.
Ngày nào tôi cũng cố gắng đi cầu nguyện cũng như tập chạy bộ một cách đều đặn. Việc đi cầu nguyện giúp cho tinh thần tôi luôn thoải mái, còn việc chạy bộ giúp cho cơ thể tôi cảm thấy khỏe hơn. Để có thể tiếp tục viết nốt cuốn tiểu thuyết này, tôi nghĩ mình cần phải có một tinh thần cũng như một cơ thể thật khỏe mạnh. Trước đây, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng để phục vụ cho việc viết lách (chứ không phải là một công việc tay chân nặng nhọc nào khác) tôi lại quan trọng sức khỏe và tinh thần của mình đến như vậy. Tôi cẩn trọng tới mức cứ như đây là lần đầu tiên tôi tập viết tiểu thuyết vậy. Thực ra tôi cũng phải thú nhận rằng trước đó đã mấy lần tôi có ý định từ bỏ không viết tiếp cái chủ đề này nữa, một phần là vì nó quá vất vả, một phần là vì đôi lúc mọi chuyện nó diễn ra không hề theo như mong muốn của tôi. Rồi tôi lại cảm thấy công việc viết lách cũng như cái nghề nghiệp mà mình đang theo đuổi, nó làm cho tôi trở nên cô độc. Tất nhiên, tôi nghĩ khi mình đã lựa chọn, đã quyết định đặt bút viết thì mình sẽ phải có trách nhiệm đến cùng với nó. Nhưng có biết bao nhiêu là chủ đề hay và dễ viết khác, tại sao tôi lại không chọn mà tôi lại cứ nhất quyết chọn chủ đề khó nhằn này? Nhiều lúc tôi cũng hơi cảm thấy hối hận về sự lựa chọn của mình. Thế nhưng ngay khoảnh khắc tôi quyết định từ bỏ tất cả, tôi lại nghĩ và nhớ đến những ánh mắt vô cùng thánh thiện và sâu thẳm của những người tử tù đã cùng tôi ngồi ăn bánh và nói chuyện trong suốt mấy tháng vừa qua.
Tôi đã gặp họ. Và đáng lẽ ra, lúc gặp họ tôi phải cảm thấy sợ hãi hoặc chí ít là phải có chút ác cảm gì đó, nhưng không, tôi đã không hề có những cảm giác ấy. Ngược lại, tôi lại tự hỏi: Tại sao họ lại có một khuôn mặt rạng rỡ và thánh thiện đến thế. Khuôn mặt họ trông đẹp như khuôn mặt của những nhà tu đạo, dù đôi lúc tôi thấy trong ánh mắt ấy có thoáng một chút u tối, một chút bất an, một chút muộn phiền về số phận và về tương lai nhưng so với những khuôn mặt tôi đã từng gặp ở ngoài đời, tôi thấy khuôn mặt của họ còn đẹp đẽ hơn, rạng rỡ hơn gấp nhiều lần. Họ làm tôi phải tự hỏi lại bản thân mình, rằng có thực sự là tôi thiện hơn - à không - tôi ít tội hơn họ hay không?
Và rất lạ, cứ hôm nào tôi đi gặp những người tử tù đó về, đêm hôm đó tôi lại ngủ rất ngon. Trước đây, khi gặp những người bình thường, tôi luôn cảm thấy lạnh lùng, thậm chí thấy vô cảm và buốt giá còn hơn cả những cơn gió mùa đông, vậy mà khi đi gặp những người tử tù đó tôi lại thấy lòng mình bình thản và ấm áp vô cùng. Tôi tự hỏi, tại sao việc gặp gỡ vài ba người tử tù - những người đã từng làm những việc độc ác xấu xa mà không ai có thể tha thứ ấy, lại làm cho tôi cảm thấy bình thản và ấm áp đến vậy? Rồi từng câu từng lời họ nói cứ như đã được in ở trong sách Kinh Thánh, làm cho tôi cảm giác họ đang tiến đến rất gần với chân lý của cuộc sống này vậy. Thật là một chuyện khó tin! Nhưng đó phải chăng là hơi ấm của những con người đã hoàn toàn biết hối cải, hay đó là biểu trưng của sự chiến thắng trong việc giáo hóa nhân cách con người, hay đó là sự ban ơn cứu rỗi của Chúa? Nếu tất cả những điều trên đều không đúng, chỉ còn duy nhất một khả năng, đó chính là sự minh chứng cho bản chất tồn tại của con người - yêu và được yêu!
Và có một hôm tự dưng tôi đã buột miệng nói ra những câu như thế này: “Mình thấy lạ lắm! Vì sau khi đi đến đó về, mình cứ tự hỏi: Nơi đó có phải là thiên đường mà bấy lâu nay ai ai cũng đang tìm kiếm hay không?”. Sau khi nghe tôi nói câu ấy, những người bạn của tôi đã nhìn tôi chằm chằm với một ánh mắt vô cùng khó hiểu.
Tôi đã lựa chọn xong chủ đề mình sẽ viết. Nhưng trong thời gian tôi vất vả tìm kiếm những tài liệu liên quan đến cái chủ đề ấy, tôi đã không có thời gian gặp gỡ bạn bè, cũng như hình như tôi nhớ là đã lâu lắm rồi tôi không có thời gian ngồi ăn tối cùng với gia đình. Một góc nơi bàn làm việc của tôi luôn được bày la liệt các tài liệu sách báo liên quan đến chủ đề ấy, tất nhiên tôi cũng đã phải chịu đựng sự sợ hãi để đọc hết những tài liệu liên quan đến các hành vi phạm tội, rồi đến khi tôi nắm được nội dung cũng như tưởng tượng ra được hết cái mạch của câu chuyện, tôi lại chẳng biết là mình nên bắt đầu viết từ đâu. Tôi đã liên tục tự hỏi lại bản thân mình, rằng nếu chỉ còn vài ngày nữa để sống thì tôi sẽ làm gì? Vì trong mấy tháng qua lúc nào tôi cũng quay cuồng với cái chủ đề ấy, nào là chết chóc, giết người, tử hình... rồi lại tử hình, giết người, chết chóc... Từ sáng sớm, lúc tôi mở mắt đến tận tối muộn, lúc tôi chuẩn bị đi ngủ, thậm chí trong cả giấc mơ tôi cũng chỉ mơ và nghĩ đến cái chủ đề ấy. Nếu chỉ được sống thêm đúng một tháng nữa thôi thì tôi muốn làm gì nhỉ?. Nếu là trước đây, tôi sẽ không do dự mà trả lời: Tôi muốn ở nhà ăn cơm cùng với các con, muốn cùng bọn trẻ về vùng nông thôn trồng hoa ngắm cảnh. Nhưng giờ đây suy nghĩ muốn viết lách, muốn để lại một cái gì đó lại thôi thúc tôi hơn cả. Với tôi, việc ăn cơm cùng với bọn trẻ hay việc nói những câu yêu thương ngọt ngào với chúng cũng quan trọng, nhưng việc tôi để lại những cuốn sách hoặc những bài viết, tôi nghĩ đó cũng là một cách để tôi nói lời yêu thương với chúng.
Tôi đã trải qua một quãng thời gian vô cùng hạnh phúc khi tôi viết cuốn tiểu thuyết này. Nếu tôi không viết cuốn tiểu thuyết này, chắc tôi sẽ chỉ nói được câu “Tôi không biết” cũng như chẳng bao giờ tôi biết được những mặt khác của xã hội mà chúng ta đang sống. Tôi đã được gặp họ - những người biết tự kiểm điểm lại bản thân mình, những người như được tái sinh một lần nữa, những người vừa phải sống vừa phải chịu đựng những nỗi đau đớn tột cùng, những người đã sẵn sàng dang tay chấp nhận và tha thứ tội lỗi cho chính kẻ thù của mình dù không dễ dàng gì, hay những người lúc nào cũng luôn làm những việc thiện, việc tốt để giúp đỡ những người kém may mắn, cùng với họ tôi đã trải qua “Một khoảng thời gian hạnh phúc”. Tôi cũng mong rằng trong thời gian gặp tôi, họ cũng đã trải qua một khoảng thời gian hạnh phúc.
Tôi nhận lại tập bản thảo đã được sửa lần cuối từ nhà xuất bản và bỏ vào túi rồi đi làm lễ cầu nguyện cùng những người tử tù. Tôi đến đúng lúc Đức Cha phụ trách việc hành lễ ở đây đang chuẩn bị tiến hành lễ cầu nguyện. Giống như Jesus của hai nghìn năm về trước đang tiến hành lễ rửa chân cho những con chiên của mình, Đức Cha - người đã chiến đấu cũng như đã chiến thắng căn bệnh ung thư quái ác - đang quỳ gối và rửa chân cho từng tù nhân. Và sau khi rửa chân cho họ xong, ngài lại lặng lẽ đặt lên chân của họ một nụ hôn. Rồi ngài quay sang bảo tôi hãy tiến lại gần chỗ ngài. Lúc ấy tôi thực sự rất lúng túng. Nhưng cuối cùng tôi cũng xấu hổ giơ chân ra và sau đó tiến đến ngồi cạnh những người tử tù. Sau khi buổi lễ kết thúc, lần đầu tiên trong đời, tôi đã ôm họ thật chặt. Và tôi chợt nhớ đến những câu thơ của nhà thơ trẻ đã mất khi mới vừa tròn mười chín tuổi - Gye Hyeong Do: “Hãy sống... ai ơi... phải sống!”
Tôi muốn chuyển lời cảm ơn chân thành của mình đến các ngài kiểm sát viên - những người đã chấp nhận cho tôi phỏng vấn, cảm ơn cả các ngài luật sư đã rất thân thiện cũng như đã rất nhiệt tình giúp đỡ cho tôi, cảm ơn các chú quản giáo ở trại giam đã mời rượu tôi bằng những đồng lương ít ỏi, cảm ơn tiến sĩ Noo Gyeong Sun ở bệnh viện Samsung đã giảng giải cho tôi hiểu y học và xã hội có liên quan với nhau như thế nào, cảm ơn giáo sư Choi Jae Cheon trường đại học Seoul đã cho tôi xem những kết quả nghiên cứu quý báu về cái chết, cảm ơn những người hảo tâm đã tham gia làm tình nguyện ở trại giam trong suốt mấy chục năm qua. Và hơn hết, cho tôi xin gửi lời cảm ơn đặc biệt tới Đức Cha Lee Yeong U thuộc Ủy ban giáo hội công giáo, Đức Cha Lee Yoon Hun, Đức Cha Kim Jeong Soo, Đức Cha Kim Sung Eun, Sơ Joo Sung Ae, và nhà sư Park Sam Jong - những người đã chỉ cho tôi biết con đường của sự tu đạo, cũng như giảng giải cho tôi biết tôn giáo hướng con người ta đến điều gì trong cuộc sống này. Và cuối cùng, tôi muốn dành tặng cuốn sách này cho những người tử tù - những người anh em bằng hữu của tôi, những người đã cùng tôi ăn bánh mì sau mỗi buổi lễ cầu nguyện, những người đã làm cho tôi xúc động và khóc rất nhiều, những người đã dạy cho tôi biết rằng dù là người tử tù, dù là người viết truyện, dù là những đứa trẻ nhỏ hay dù là những ông thẩm phán tòa án v.v... - đã là con người thì ai ai cũng đều có một điểm chung, đó là muốn được yêu thương và muốn được công nhận. Cũng chính họ đã dạy cho tôi biết rằng, ngoài việc chia sẻ tình yêu thương và lòng nhân ái với những người xung quanh, tất cả những cái khác chỉ là những tiếng ồn đã được vỡ ra thành sự phẫn nộ... Họ thậm chí đã rất lo lắng cho tôi vì họ sợ sau khi cuốn sách này được xuất bản, tôi sẽ phải gánh chịu nhiều phản ứng trái chiều từ phía những gia đình có người bị hại... Tôi hứa sẽ cầu nguyện cho tất cả họ cũng như cho những người sau này sẽ trở thành tro bụi bay về thế giới bên kia. Tôi đã hiểu ra một điều rằng, bất kỳ ai trong mỗi chúng ta cũng đều không được làm ngơ trước những nỗi đau đớn và những nỗi thống khổ của những con người ấy. Đó là sự thật! Mà chính nhờ có họ, tôi đã hiểu được điều đó.
Trong mùa đông lạnh giá mà ai cũng tưởng rằng vạn vật trên thế gian này đều đã chết,
những nhành cây ngoài cửa sổ đang khẽ vươn ra những chồi non xanh,
trên nền đất lạnh lẽo và tăm tối.
Một mùa xuân mới,
đang lặng lẽ về.
GONG JI-YOUNG
- Gong Ji-Young
- NXB Phụ Nữ
Sản phẩm này chưa nhận được đánh giá nào. Bạn hãy là người đầu tiên đánh giá nhé!