Năm Người Đàn Bà Si Tình
Năm Người Đàn Bà Si Tình
...Sự đen tối của tâm hồn con người trước cám dỗ của sắc dục được miêu tả rất tinh tế trong Năm Người Đàn Bà Si Tình. Nhưng không có tội lỗi nào mà không bị trừng phạt, chỉ là vấn đề sớm hay muộn mà thôi. Motiv tội ác và trừng phạt được khắc họa sắc nét trong tác phẩm qua các truyện tiêu biểu “Chuyện về nàng Oshichi si tình”, “Chuyện về vị phu nhân đa tình” và “Chuyện nàng Osen đa tình”.
Oshichi vốn là con gái duy nhất của một người buôn trái cây tên là Hachibei ở Edo. Vào đêm Hai mươi tám Tết, khu phố phát hỏa và mọi người phải đến chùa Kichijo trong vùng tạm trú. Nơi đây, nàng gặp một chàng thiếu niên võ sĩ anh tuấn tên là Kichisaburo. Hai người lén viết thư từ qua lại cho nhau. Và rồi dịp may đến vào đêm mười lăm tháng Giêng khi các nhà sư phải đi chuẩn bị tang lễ cho Hachizaemon, một người bán gạo trong vùng. Oshichi lén đi gặp Kichisaburo và hai người tình tự. Bà mẹ biết chuyện mới lôi Oshichi về nhà, không cho tạm trú ớ chùa nữa Nhớ nhung, Kichisaburo mới giả làm một người nhà quê tìm đến nhà Oshichi xin ngủ trọ vào một đêm mưa tuyết và “ái ân cũng lặng lẽ như hình những con thiên nga vẽ trên bức bình phong rực rỡ phía sau”. Bình minh đến chia cách đôi lứa rồi đêm ngày Oshichi nhớ mong. Trong một đêm mưa “nàng bỗng nhớ lại cái đêm xảy ra hỏa hoạn làm nàng phải đến trú ngụ trong chùa và nàng nghĩ rằng một tai họa như thế sẽ đem cho nàng dịp may gặp lại Kichisaburo. Ý tưởng điên rồ này đưa nàng đến một hành động vô phương cứu chữa. Nàng châm lửa đốt nhà nhưng dân chúng lần theo dấu khói và bắt gặp Oshichi ở đúng địa điểm gây hỏa hoạn”. Oshichi bị xử tử hình. Trong khi đó, Kichisaburo đêm ngày thương nhớ Oshichi, không hay nàng đã chết. Người thân, bạn bè không dám báo tin cho chàng, sợ chàng tự sát. Nhưng rồi chàng cũng biết và sau khi được các vị sư khuyên giải, Kichisaburo quyết định xuất gia. Truyện kết thúc bằng lời nhận định: “Câu chuyện này được kể lại - đầy tình và khổ - cốt để chỉ cho thấy cuộc đời bất trắc và hư ảo dường nào, giống hệt như một giấc mộng hoang dã và hoang đường.”
“Chuyện về vị phu nhân đa tình” bắt đầu bằng một cuộc tranh luận mỹ nhân thú vị. Bốn chàng công tử nổi tiếng ở kinh thành sau khi đi xem hát về ghé trà thất ngắm người qua lại và tìm kiếm người phụ nữ đẹp nhất. Đầu tiên có “một người phụ nữ trạc hăm ba, hăm bốn đi ngang qua, sắc đẹp hiếm có, cặp mắt tinh anh, chiếc cổ thon thả yêu kiều... Nàng bước đi uyển chuyền nhịp nhàng, hông lác lư một cách rất tự nhiên”. Thế là “một trong mấy chàng trai kêu lên: “Ôi, thật đáng giá ngàn vàng!”, nhưng lời nói chưa kịp thốt ra thì vị phu nhân quay đầu lại nói điều gì đó với người theo hầu, vừa hé môi ra đã lộ chiếc răng sún, làm cho bốn chàng tan hết ảo mộng”. Có nàng thì trên gương mặt đẹp có một vết sẹo dài, có nàng kiêu kỳ thanh thoát nhưng lại mang theo ba đến bốn đứa con, giả vờ như không quan tâm gì đến chúng. Cuối cùng bốn chàng mới tìm được vị phu nhân Osan, được mệnh danh là Tân Komachi mà “chỉ về sau người ta mới hiểu ra rằng biết bao tai ương ẩn giấu dưới cái sắc đẹp yêu kiều ấy”. Nàng là vợ của một viên quan làm lịch. Trong suốt ba năm từ ngày về nhà chồng Osan phục vụ tận tình chu đáo. Nhưng rồi viên quan có công chuyện phải lên Edo. Phụ thân Osan lo lắng cho sức khỏe con gái mình nên mới chọn một chàng trẻ tuổi là Moernon đến phụ giúp. Người hầu gái của Osan là Rin có tình ý với Moemon nhưng không biết chữ nên nhờ Osan viết thư giùm mình Moemon trả lời lại rất xấc xược. Vì tức giận thay cho Rin, Osan lên kế hoạch hẹn Moemon đến gặp Rin vào đêm mười bốn tháng Năm Kế hoạch sắp đặt là Osan sẽ thay chỗ của Rin, cho mấy người hầu gái cầm đèn và gậy gộc chờ sẫn, khi nghe nàng kêu thì chạy đến ngay. Nhưng không may là cả Osan và đám đầy tớ vì quá mệt mỏi nên đã thiếp ngủ đi hết. Moemon tìm đến ân ái rồi quay về mà cứ tưởng đó là Rin. Osan thức dậy phát hiện sự thật bẽ bàng. Nàng quyết định gặp Moemon thú nhận hết tất cả rồi từ đó “đôi tình nhân bắt đầu chơi trò chơi sinh tử - trò chơi nguy hiểm nhất trong tất cả các trò chơi”.
Trước hết hai người giả vờ đã tự tử chết rồi đưa nhau về quê bắt đầu lại cuộc sống mới. Chồng của Osan cư xử với nàng như với một người vợ hiền đã mất. Ông lập bàn thờ và gọi các nhà sư đến tụng kinh siêu độ cho nàng. Gần đến lễ hội tháng Chín có người bán trái lật ghé thăm nhà chồng Osan và nói rằng mình có thấy một người giống hệt phu nhân sống cùng một chàng trai trẻ sống ở làng Kirito. Chồng cũ Osan đến bắt hai người và xử tội chết.
Truyện “Nàng Osen đa tình” cũng có một kết thúc đầy bi thảm. Nàng Osen là người hầu gái cho một phu nhân giàu có, sống trong một cơ ngơi đồ sộ gần khu Tenma. Có nhan sắc, được nhiều người để ý nhưng Osen chưa hề biết đến yêu đương. Trong khi đó có một chàng thợ mộc tương tư Osen mê mệt. Được bà mối Nanny giúp đỡ, hai người đến được với nhau. Đôi vợ chồng sống với nhau rất hòa thuận, hạnh phúc. Nhưng chỉ vì lòng ghen của bà vợ Chozaemon, một người chế men rượu vu oan cho Osen có tình ý với chồng mình mà Osen cảm thấy chua cay đến mức quyết định ngủ với Chozaemon thật sự “để dạy cho con mụ đàn bà ấy một bài học”. Vào ngày lễ hội tháng Giêng, Chozaemon theo Osen về nhà Khi hai người chuẩn bị ái ân thì người thợ mộc thức dậy. Chozaemon vội vàng ném quần áo chạy thoát thân còn Osen thì tuyệt vọng lấy lưỡi bào thợ mộc đâm ngập tim mình mà chết.
Truyện kết thúc trong bi kịch và có thể mượn lời trong truyện “Nàng Osen đa tình” để tóm tắt lại ba câu chuyện tiêu biểu trên của Năm Người Đàn Bà Si Tình như sau: “Tên họ được kể lại trong vô vàn bài hát, bài thơ truyền tụng đến các vùng rất xa với lời cảnh cáo: “Thế giới này nghiêm khắc và tội lỗi không bao giờ thoát khỏi bị trừng phạt”.
- Ihara Saikaku
- NXB Văn Học