Bầu Trời Không Mái Che (Song ngữ Pháp-Việt)
Cầm tập thơ, bập vào người đọc có lẽ là những đường ống rỗng của ngôn ngữ và suy tư, sâu hút vào một chân trời vô định, khó lý giải, bàn tay chới với, dò tìm trong nhịp điệu sáng tối, hun hút của hỗn mang và đâu đó thấp thoáng bóng dáng của những ống chân cụt. Hay có thể gọi đó là sự cụt đầu của tư duy, sự bất an của ý niệm trong bầu khí quyển tiềm ẩn nhiều cơn chấn động.
Và mỗi ống cụt lại biểu thị một con mắt nhìn, cái nhìn phóng vào những sự vật quanh nó và phóng vào ngay chính nó – một tri kiến lộn ngược đã an trú trong thinh lặng. Hình ảnh người ‘vô tính’ (tôi nói vậy là vì không thể xác định được giới tính của nhân vật trong tranh bìa) ngồi thu lu dưới vòm trời không có mái che… Có thể nói đó cũng là ý niệm sáng tạo của người nghệ sĩ đã gửi gắm thông qua bìa thơ, ruột thơ, kí hiệu, ngôn ngữ…
Nghé tìm mẹ
Thở vào mây tiếng ruộng mạ, mầm cây
Gõ móng trên mặt đất
(Nghé ơi, tr.28)
Những tiếng nói mơ hồ, có chút nhiễu sóng, hụt hơi và bùng vỡ sau một chuỗi dài lần tìm trong bức màn đa sắc của vô thức, ý thức, tiềm thức… Từ những cụm ngôn từ thoát thai sâu thẳm trí nhớ, mênh mông cuộc chơi xúc xắc số phận và miên man con mắt trong veo của ‘hài nhi tóc bạc’ nhìn xoáy vào đời sống, mở ra những ống rỗng của ngôn ngữ, ý niệm và tư duy bất khả giải.
Những con sâu nhẫn nại tết vệt trứng óng ả quanh gốc cây già
Chú bê non chạm lưỡi mềm mặt cỏ
Chiếc lá ấy rơi
Biết có ai được may mắn đến gần
Thời khắc mùa thu về đích.
(Thu đến, tr.29)
Có thể nói rằng cảm thức “vách nước” – một chuỗi phức cảm nhục thể được cấu trúc, kiến tạo bởi những âm thanh ái dục và thanh âm sinh trưởng của vạn vật luôn là dòng chảy trong thơ Mai Văn Phấn.
Thi thoảng, đâu đó trong những nốt âm thanh, những mảng màu chữ lại hiện ra một cánh chim, ruộng mạ, con trâu, cánh đồng, mắt lưới, con tàu, mặt biển, tiếng tàu chạy… Những thứ ấy vốn là chất liệu trên toan vải nghệ thuật thơ Mai Văn Phấn.
Sau cơn mưa dáng cây thon nhỏ
Mướt xanh hai mặt lá
Bàn tay lá ấy luôn mềm
Tiếng chim Bách Thanh tung lưới
Thít chặt anh cùng bòng bưởi, rễ si
Hoa cẩm quỳ, oải hương, phong lữ…
Dịu dàng thêm khăn áo mùa thu
Mắt em lóng lánh khắp nơi khép lại
(Vườn em, tr.35)
Điểm đặc biệt, khác lạ (so với chính anh) trong tập thơ nằm ở chỗ nó tạo nên những đường ống ngôn ngữ. Tôi từng biết đến những lỗ sâu đục trong dòng ý thức người nghệ sĩ thông qua văn bản nghệ thuật, những lỗ sâu đục tạo ra sự bộc phát khoảnh khắc, sự thăng hoa phút chốc, hay nói theo kiểu nhà Phật là đốn ngộ. Và, trong chừng mực của những lỗ sâu đục này, người nghệ sĩ (có thể do tiệm kiến tạo, mà cũng có thể do bộc phát sau quá trình suy tư lâu dài) tạo riêng cho mình những đường dẫn ngôn ngữ, đường ống ý niệm mà ở đó mọi khái niệm về thời gian, địa điểm, màu sắc, ánh sáng và tín hiệu đều bị trộn lẫn, nhào nặn theo một cách thế dị biệt. Mọi hình ảnh quen thuộc vẫn rất quen thuộc trong một giấc mơ lạ lẫm, hoặc mọi điều lạ lẫm vẫn cứ lạ lẫm trong một cuộc hồi tưởng và ngạc nhiên quen thuộc.
.....
Những huyệt đạo thắp ngọn nến
Mơ hồ em qua cơ thể anh
Con mèo buồn ngủ dưới nắng
Ngáp lim dim
Đời sống ngập toan tính
Anh mỏi mệt nơi làm việc
Kế hoạch định sẵn
Cố cũng không xong
Có nên đổ tại con mèo
Mang tâm trạng anh lơ mơ dưới nắng…
Hay:
Cánh hoa khổng lồ đung đưa trên đầu
Gió khẽ làm hai người lẫn vào nhau
Càng bé tí run lên như bão…
Ngay cái tựa tập thơ, mới đọc vào cũng đã có nhiều vấn đề để bàn. Tại sao lại bầu trời không có mái che? Bầu trời có mái? Vậy mái của bầu trời mang hàm ý gì? Biểu trưng cho vấn đề gì?
Câu trả lời chỉ có khi đọc hết tập thơ, và câu trả lời ở mỗi bạn đọc đương nhiên sẽ khác nhau.
Nếu như ở các bài thơ rời là những khoảnh khắc nắm chớp của người nghệ sĩ trước sự chuyển luân của vạn vật, trước mọi hoạt động rất ư đời thường nhưng cũng đậm vẻ nhiệm màu thông qua lăng kính kí ức và vô thức, thậm chí thông qua siêu thức, trực giác. Hình ảnh trong những bài thơ rời nhuốm màu khói rạ đồng quê, màu đất đồng và vang vọng thanh âm của tuổi thơ, của thời ấu nhi vô nhiễm… Thì ở phần sau, “Hình đám cỏ” là một tổ khúc, một câu chuyện có thắt nút, mở nút, gia giảm liều lượng cảm xúc, suy tư và màu sắc luân phiên chuyển động. Để cấu thành một tổng thể chung giống như symphony thơ.
Thân dâng
Hương thơm ngon ngọt
Con chào mào em
Khoét rỗng môi anh
Và vỗ cánh
Ngậm anh đi gieo hạt
Và, ẩn nấp sau câu chuyện thơ, hay đúng hơn là sau tổ khúc thơ “Hình đám cỏ” là bóng dáng của cái đẹp, của một người đàn bà đã cưu mang, đã nuôi nấng, vỗ về… thơ, làm cho ‘nó’ trở nên lớn mạnh, da diết, nồng nàn và có lúc dậy sóng, cũng có lúc hiền hòa, tịch lặng và khai mở từ tâm.
Dường như phức cảm nhục thể trong thơ Mai Văn Phấn, đặc biệt trong “Bầu trời không mái che” vẫn luôn là dòng chảy mạnh nhất, xuyên qua mọi dòng phức cảm khác. Nhưng cái khác, nét riêng biệt trong thơ anh nằm ở điểm: dòng chảy ngầm. Tuy về mặt cấu trúc thơ, về cách nhìn và chiều kích ngôn ngữ, anh luôn đổi mới, luôn nắm bắt, hòa nhập với trào lưu đương đại. Từ cách chọn thể loại, chọn cấu trúc, chọn kí hiệu, mã thơ, mã ngôn ngữ… đều cho thấy điều này.
Bờ nước lan trí nhớ
lúc xa lúc gần lời em kể
bàn tay bơi qua
Đôi môi lướt nhẹ
Con le le, con vịt trên hồ
… hôn sâu… hôn sâu…
… những vòng sóng đuổi nhau xa mãi
…
Trương nở
Vùng lên
Quật đổ
Trốn vào em rền rĩ hú vang
Xới tung ngọn sóng sắc nhọn
Lút sâu dằm nát quả ngọt
Gặm dần que kem buốt lạnh
Ấm trà lớn rót sang chén nhỏ
Nhai hạt hạnh đào ngầy ngậy chân răng
Nhưng, dòng phức cảm thơ Mai Văn Phấn mang màu sắc, mùi vị và chín theo nhịp riêng của nó. Không cuồng vội mà vẫn dung chứa sức mạnh, không phản đối kịch liệt nhưng vẫn phong kín một cái nhìn phản tư, một con mắt hoài nghi trước sự vật, một câu hỏi và cách đặt vấn đề theo chiều nghịch khiến cho “Bầu trời không mái che” mang dấu hỏi lớn về hiện hữu thông qua giọng thơ mơ hồ, thông qua ngôn ngữ nhuyễn thể, phác họa bối cảnh bất trắc và tâm lý tin yêu đến độ hóa thánh của nó.
Đám đông mang khuôn mặt anh
Bất ngờ ào lên
Bất ngờ đứng sững
Trong một ý nghĩa khác, “Bầu trời không mái che” mang hơi hướm của cuộc lột xác nghệ thuật, lột xác nhân sinh và lần mò tìm lại bản lai diện mục. Những tầng bậc ngôn ngữ phong giữ hiện tượng, mỗi câu thơ, mỗi chữ thơ là một lớp vỏ mang mật mã để người đọc lột dần theo cảm nghiệm cá nhân để nhận ra sự lung linh của lân tinh và tro tàn…
Xa nữa…
Như con Matroska của Nga
Mở tiếp thấy con nhỏ hơn
Nhỏ hơn, nhỏ nữa…
Trong một trò chơi
Em đến mở cửa phòng anh
Thấy con Matroska đang ngồi đọc sách
Thế rồi….! Những đường ống ngôn ngữ của “Bầu trời không mái che” cũng không có mái che nốt. Nghĩa là đường ống này dẫn về vô cùng. Trên giao lộ của nó, mỗi một điểm nhấn là một kí thác tâm hồn của người nghệ sĩ. Điểm nhấn cho biết ít nhiều tâm trạng, tư tưởng và sự hụt hẫng, vụt thoáng hiện tượng, sự đổi màu của sự vật và tâm hồn như một vở bi/hài kịch không có lối ra mà cũng chẳng có lối vào. Mênh mông, hun hút, bất định…
Cuộn mình ánh sáng xanh
Buông chậm biểu tượng dã thú
Đam mê xác thịt
(Đèn tắt. Tiếng vỗ tay)
Chạy qua vòng sáng nhạt
Hoài thai chới với sinh linh
Miệng bú mớm và tìm cách khóc
(Tiếng gõ vọng sau sân khấu)
Có thể nói thơ của Mai Văn Phấn mang một trường sóng ý niệm. Bao trùm lên “Bầu trời không mái che” là dòng từ trường giao thoa giữa đời sống vốn trùng trùng hiện tượng với cái nhìn viên nhập, viên dung, mang hơi hướm Thiền, mang khí chất Á Đông trầm mặc, sơ nguyên và minh tuệ. Nếu như nhìn mỗi bài thơ rời là một đoản khúc thì có thể gọi “Hình” của “đám cỏ” là một tổ khúc – tổ khúc ngôn từ được cất lên từ những xung động tâm hồn và trí tuệ mang nhiều suy tư.
(Liêu Thái)
- Mai Văn Phấn
- NXB Hội Nhà Văn
Sản phẩm này chưa nhận được đánh giá nào. Bạn hãy là người đầu tiên đánh giá nhé!