Bên Kia Đồi
Bên Kia Đồi
Bên Kia Đồi của tác giả trẻ Võ Mỹ Linh không hẳn là tiểu thuyết, cũng không hẳn là truyện ngắn. Câu chuyện này có thể được xếp vào loại “tiểu thuyết ngắn” (novella), mặc dù tình tiết của câu chuyện biến đổi nhiều hơn một novella thông thường.
Nói chung, Bên Kia Đồi là cuộc hành hương của tác giả qua nhân vật Nụ về vùng đất hứa. Điểm đến ở đâu, có những hứa hẹn gì, Nụ không biết rõ. Và Nụ cũng chẳng cần biết. Chỉ biết là Nụ cần phải đi, cần phải tìm. Cuộc hành trình của Nụ trở thành một nhu cầu, một lẽ sống, ít nhất là trong tâm tưởng của Nụ.
Đối tượng chính của câu chuyện do Nụ kể chẳng phải ai xa lạ. Chính là Nụ. Bên Kia Đồi là một cuộc độc thoại nội tâm, còn được gọi là dòng ý thức, ở đây là dòng ý thức của Nụ, hay đúng hon là dòng ý thức, dòng tâm tưởng của tác giả. Tình cờ hay hữu ý, tác giả đã đi theo những cuộc hành trình của James Joyce, Virginia Woolf, Jack Kerouac... Gần đây hơn, Cao Hành Kiện cũng hành hương về Linh Sơn (Soul Mountain), và cũng thuật lại cuộc hành hương này cho chính mình, để người đọc được “nghe trộm” qua lời độc thoại của nhân vật "tôi”, hoặc qua lời nói chuyện của tác giả với chính mình nhưng lại như nói với một người bạn.
Vì căn bản ở đây là độc thoại, cho nên tác giả không cần phải khách quan. Độc thoại chỉ cần “trôi” theo dòng ý thức, dòng tâm tưởng, nên không cần phải có bố cục chặt chẽ. Tác giả bộc lộ nét phóng túng của mình qua cách hành văn, và đôi khi lại sử dụng cú pháp một cách cẩu thả, nhưng sự cẩu thả này không phải là khuyết điểm; trái lại, đây là ưu điểm của các nhà văn trẻ, bất câu nệ hình thức hoặc nhu cầu sắp xếp nội dung cho chặt chẽ.
Lối văn độc thoại nội tâm có cái lợi là không cần có một trọng tâm rõ rệt. Người viết có thể để câu chuyện tản mạn vào những vùng nằm ngoài tiêu điểm, có thể để thực tại xen kẽ với dĩ vãng, hiện thực phối họp với huyền thoại, với cổ tích. Đang kể về đời sống mình, Nụ có thể tự nhiên đưa cổ tích vào câu chuyện, đang nói chuyện hôm nay, Nụ có thể sống ngay lại chuyện hôm qua. Người đọc bị cuốn theo dòng ý thức này nên không kịp kết luận về Nụ, về tác giả, câu chuyện Nụ (tác giả) kể lại có những lúc trở nên mơ hồ, huyền hoặc. Đây là lối viết của các văn sĩ đã một thời đặt vấn đề với lối văn hiện thực, tác giả Mỹ Linh đã sử dụng một cách khéo léo, hợp với cá tính mình và hợp với lối suy nghĩ và hành động của người trẻ. Một số (ít) nhà văn Việt Nam đã hành văn theo thể loại này, nhưng rất ít người đã thành công. Độc thoại nội tâm của Nụ ở đây đã chở được người đọc xuôi theo dòng tâm tưởng của cô, của tác giả. Đây chính là điểm son của Bên Kia Đồi.
Câu chuyện của Nụ còn có tính chất của một bài tự thuật. Người đọc nhìn ra được tác giả qua nhân vật Nụ, thấy được hoàn cảnh khó khăn của Nụ nhưng cũng thấy được niềm tự hào của Nụ khi đã vượt qua được những khó khăn đó. Những người Nụ biết lúc lớn lên, những người Nụ biết khi đã vào đời, và những người Nụ gặp trong cuộc hành trình tìm vùng đất hứa, ngoài một số người có thể được xếp ngay vào hạng các thành phần xấu của xã hội, đều là những “nạn nhân” của những hoàn cảnh không mấy đẹp cho lắm, nếu không nói là bi đát. Nụ không nói ra, nhưng người đọc cảm được cái xót xa của Nụ đối với những người đó. Nụ không nói ra, nhưng người đọc thấy được cái “tham vọng” của Nụ. Đây là tham vọng chung của tuổi trẻ: làm một cái gì đó để cho đời đẹp hơn.
Cuộc hành hưong của Nụ rốt cuộc lại đưa Nụ trở về điểm ban đầu, chỉ khác là giờ đây Nụ biết được là bên kia ngọn đồi có thể cũng chẳng có gì. “Nhưng nhất thiết cứ phải bước sang. Để khi đứng đấy nhìn về, người ta sẽ thấy yêu hơn cái cũ (yêu cái cũ hơn?).” Phải chăng bên kia đồi có gì hay không cũng chẳng quan trọng? Quan trọng là phải đi sang đó mà xem với chính mắt của mình.
Và người đọc chợt nhớ đến lời của Gudrun nói vói cô chị Ursula trong Women in love của D.H. Lawrence: “Nếu ta nhảy qua bờ rào, chắc chắn ta phải đáp xuống đâu đó” (If one jumps over the edge, one is bound to land somewhere). Nghe như tiếng gọi của Nụ đang vang vọng từ bên kia sườn đồi. Hãy qua đây đi! Hãy qua đây! Đừng chần chờ nữa!
Đỗ Quý Dân (Luật sư - California, Mỹ)
- Võ Mỹ Linh
- NXB Văn Hóa - Văn Nghệ
Sản phẩm này chưa nhận được đánh giá nào. Bạn hãy là người đầu tiên đánh giá nhé!