Bộ Móng Tay Màu Đỏ
Thế giới nhân vật của Bộ Móng Tay Màu Đỏ dường như không có ai đang sống cả. Họ đang đơ và lặn ngụp. Ngay cả khi hể hả, khi lợi lộc về rồi đều là đang lặn hụp.
Người lèo lái những con thuyền đời của Bộ Móng Tay Màu Đỏ không phải là những người đàn ông. Nhưng hình bóng người đàn ông quá lớn, quá nặng nề và quyền lực. Những người phụ nữ với sự nhẫn nhịn dường như đủ để xoay chuyển cả càn khôn nhưng rốt cuộc họ chỉ là một chiếc bóng mang sứ mệnh oằn oại. Những chiếc bóng đóng vai hiền và vai ác. Những chiếc bóng sống loi nhoi trong khi người tạo ra bóng lại lặng lờ tưởng như không còn sống nữa. Nghĩa là gần như nếu cuộc đời không có sự hi sinh lặng thầm những chiếc bóng thì cuộc đời sẽ nhẹ nhàng biết bao nhiêu. Dường như thấy những bàn tay nâng đỡ của bóng ngày càng yếu dần thì trượng phu cũng ngày càng trở nên hẹp hòi non nớt. Công cuộc bảo tồn nòi giống của hai phía chẳng có gì đáng để chờ đợi, vở bi hài kịch cuộc đời trở nên lẻ mọn chẳng đáng để tham gia. Phát Dương đứng từ một góc nhìn của người ngoài cuộc xem những thước phim lặn hụp, chới với. Người đọc cùng xem phim với Phát Dương và hoài nghi bản thân, coi chừng những hẹp hòi tủn mủn kia có chính mình.
Truyện ngắn Bộ Móng Tay Màu Đỏ được kết bởi câu “Tuyến nhìn màu nước rửa móng tay như từ giã bộ móng tay được sơn đỏ lần cuối cùng. Cũng là từ giã luôn lần cuối được nhớ mình là đàn bà”. Những đàn bà trong những mẩu truyện cùng tập cũng vậy, ngây thơ, khoan nhượng, vị tha ngoài mức độ của con người. Lặp lại và lặp lại. Những oái oăm tưởng như vô lý đó của bà Tư ăn cắp đồ chơi đứa giàu cho đứa nghèo, của Ni gái độc không con mà gặp cuộc đời độc hơn những gì mình bị gán ghép, của Nhường vịn vào từng tô hủ tiếu để tìm giấc ngủ và cơn lo sợ tai họa do chồng gây nên không biết sẽ đổ xuống kiểu gì, tất cả lại là sự thật hiển hiện đầy xung quanh.
- Phát Dương
- NXB Tổng Hợp TP. HCM