Dòng Sông Cuộc Sống
Tôi gặp và quen nữ bác sĩ Minh Dung chừng trên 40 năm về trước; thuở ấy, tuy chuyên môn là chữa bệnh cứu người, nhưng bác sĩ đã có “một đạo tràng tu học” đàng hoàng, nghiêm túc tại Đà Nẵng. Bác sĩ quý mến tôi và tôi (lúc ấy đang ở Huyền Không, Lăng Cô năm 1976‐1977) cũng quý mến bác sĩ nên có qua lại thăm viếng nhau vài lần. Trong mơ hồ khói sương của ký ức, tôi chỉ nhớ có thế; sau đó, tôi không còn gặp lại bác sĩ nữa!
Đùng một cái, sau chừng ấy đằng đẵng thời gian, vừa mới đây, qua bác sĩ Phạm Đức Thành Dũng - bác sĩ gọi điện hỏi thăm và cho biết là bác sĩ Minh Dung đã xuất gia rồi với pháp danh là Tâm Hòa. Tôi gởi lời chúc mừng. Qua điện thoại, sư cô Tâm Hòa muốn gặp tôi, nói rằng, thầy Tuệ Sỹ đã có thủ bút đầu trang tác phẩm Pháp Phật & Cuộc sống của sư cô rồi, nay sư cô muốn “sư Minh Đức Triều Tâm Ảnh” đọc một tác phẩm khác và cho “lời tựa” mấy câu, mấy dòng gì cũng được. Tôi hứa là sẽ đọc, đọc xong mới dám trả lời.
Cách đây chừng bốn năm hôm, bác sĩ Phạm Đức Thành Dũng dẫn sư cô cùng năm bảy thân hữu ghé Ngọa Tùng Am - tệ xá của tôi - tại Rừng Thiền Huyền Không Sơn Thượng. Thế là chúng tôi gặp lại nhau sau gần nửa thế kỷ cách xa. Tôi đã già và sư cô cũng đã già. Ai cũng đã tuyết sương điểm đầu: Một thoáng bồi hồi như làn sương mỏng lướt qua trên mái lá sơn am.
Gần một buổi chiều nói chuyện, tôi đi từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác: Cái Thấy Biết về đạo Phật của sư cô hầu như đã vượt ra ngoài mọi khuôn rào tư hệ của các tông phái… mà chỉ còn tinh yếu, tinh yếu, cốt lõi và cốt lõi thôi!
Rõ ràng, minh nhiên, bác sĩ Minh Dung đã làm xong sứ mạng y sư chữa bệnh Thân cho mọi người qua tác phẩm Y khoa & Cuộc sống. Và, sư cô Tâm Hòa cũng đã làm xong sứ mạng tu sĩ chữa bệnh Tâm cho thế gian qua tác phẩm Pháp Phật & Cuộc sống!
Soạn phẩm mới mà sư cô muốn tôi đọc là Dòng Sông Cuộc Sống đang dưới dạng bản thảo. Tôi để ý là ở giữa bốn từ của đề sách không còn nối bằng liên từ “và, “&” nữa! Dường như tác giả đã liễu tri“dòng sông” và “cuộc sống” không còn biên cách! Là dòng-sông-cuộc-sống chăng? Là Một chăng!
Thế là tôi tuần tự đọc cả ba tác phẩm. Hai tác phẩm đầu đã xuất bản (NXB Đà Nẵng), có giá trị nhất định về chữa bệnh Thân, Tâm: Đáng được khích lệ và đáng đọc cho tất cả mọi người, đã tu và cả chưa tu… Còn tác phẩm thứ ba: Dòng Sông Cuộc Sống, nội dung nó ra sao?
Xin thưa, tôi đã đọc. Tôi không đọc kỹ mà chỉ đọc lướt, đọc lướt nhưng lướt tới lướt lui nhiều lần rồi nhận ra rằng, soạn phẩm này là “tinh đọng” của hai tác phẩm trước. Thay vì nói nhiều tiêu đề về Phật pháp… tác giả chỉ nhấn mạnh về Nghiệp, Duyên, Thức, Tâm, Trí Tuệ, Từ Bi, trở về Tâm, tu Thiền… Thay vì nói nhiều về đề tài Y khoa, tác giả đã đưa Thân, Tâm về một mối. Thân ư? Tâm ư? Cả Thân và Tâm chúng chỉ là năng lượng. Con người là năng lượng mà vũ trụ cũng năng lượng. Có phải tác giả còn muốn hỏi: Hai năng lượng ấy, nó tương giao, hài hòa hay nó xung đối? Con người với năng lượng tà khí, xấu ác thì nhân loại đau thương, thống khổ. Con người với năng lượng chánh khí, lành tốt thì thế gian sẽ thanh bình, an vui!
Cuối cùng, tác giả báo động số phận “trái đất và con người” trong tương quan, cộng sinh… có thể bị hủy diệt bởi chính con người! Báo động về “vi mạch điện tử”, “công nghệ cao” và “robot” thay thế con người! Là thảm họa nếu con người không biết tu, không biết trở về chính mình để tự biết mình!
Và, lạ lùng làm sao, mấy dòng cuối sách: Đạo Là Phương Pháp Diệt Khổ, sư cô đã ghi lại lời dạy cuối cùng của đức Phật trước khi Niết‒bàn:
“Này các tỳ-kheo! Như Lai khuyên dạy các ông: Các pháp hữu vi là vô thường, hãy tín tấn, chớ có phóng dật!”
Tôi không biết nói gì nữa!
- Tâm Hòa Minh Dung
- NXB Đà Nẵng
Sản phẩm này chưa nhận được đánh giá nào. Bạn hãy là người đầu tiên đánh giá nhé!