Hồ Tuyết Nham (Bộ 2 tập)
Hồ Tuyết Nham
Những hiểu biết về Hồ Tuyết Nham bắt nguồn từ việc tìm hiểu Tả Tông Đường.
Lúc đầu tôi không có kế hoạch viết về Hồ Tuyết Nham. Về sau, có người viết về Hồ Tuyết Nham và bắt đầu lưu truyền trong xã hội, thậm chí coi đó là kiểu mẫu thương gia, có học có hành tất sẽ giàu có! Vì vậy, tôi cũng nảy ra ý định trở lại với những gì người đó nhìn thấy. Nên tôi mới viết về Hồ Tuyết Nham.
Câu chuyện lưu truyền trong xã hội về Hồ Tuyết Nham, nói ngắn gọn thế này: Thứ nhất, sở dĩ Hồ Tuyết Nham có thể từ một anh chàng chân chạy trở thành một thương gia hàng đầu, là vì ông từng giúp đỡ một người tên là Vương Hữu Linh; làm ơn tất sẽ được người trả ơn, Vương Hữu Linh liền giúp Hồ Tuyết Nham trở thành một tên tuổi lớn. Thứ hai, Hồ Tuyết Nham có được đường hướng kinh doanh, và đường hướng kinh doanh đó là gì? Để ý kĩ, chẳng qua là “uống rượu”, “chơi hoa”, “chai lì”, “vung tiền”; thật là lạ, ngày nay những kẻ như vậy cũng không thiếu, vậy tại sao bọn họ chẳng những không giàu có mà còn lũ lượt phạm pháp phải vào tù? Thứ ba, sở dĩ Hồ Tuyết Nham sa sút, là vì sự xuất hiện của động cơ hơi nước; hình như động cơ hơi nước không những có thể biến nhiệt năng thành cơ năng, mà còn có thể biến kẻ giàu thành tội phạm; nếu thật sự có được chức năng đó thì đã tốt, còn làm cách mạng làm gì nữa? Chỉ cần có ngài Watt là xong. Vì thế, tôi lại càng có mong muốn viết lại câu chuyện về Hồ Tuyết Nham.
Lịch sử đã chứng minh, Hồ Tuyết Nham sở dĩ từ một anh chàng trông coi cửa hàng vàng bạc trở thành một thương gia nổi tiếng, là vì vừa sẵn có trí thông minh và đầu óc linh hoạt, vừa có được cơ hội ngẫu nhiên mà nên sự nghiệp. Ai đã tạo cơ hội cho ông? Có phải là Vương Hữu Linh, người từng được ông giúp đỡ? Có thể khẳng định rằng: không phải. Vương Hữu Linh quả có thông lên bề trên mà mở rộng cơ đồ, nhưng chỉ làm quan huyện, làm châu phủ, về sau làm tuần phủ Chiết Giang mới được 1 năm thì quân Thái Bình đánh vào thành Hàng Châu, liền thắt cổ tự tử. Xin hỏi, một viên quan địa phương nhỏ xíu, sao có thể nâng đỡ một đời phú thương? Rõ ràng là, người viết truyện cũng quá mơ hồ về điều này. Người tạo cơ hội cho ông chính là Tả văn Tương Công Tả Tông Đường, một vị tướng ái quốc tài ba trăm trận trăm thắng. Tả Tông Đường đã cho Hồ Tuyết Nham bốn cơ hội làm giàu: cơ hội đầu tiên là để ông phụ trách quân trang, quân lương xây dựng đội tinh binh, cấp cho ông khoản tiền mua vũ khí đạn dược; cơ hội tiếp theo là lệnh cho ông phải giúp xây dựng xưởng đóng thuyền Mã Vĩ, cấp cho ông khoản tiền nhập kĩ thuật và thiết bị; cơ hội tiếp nữa là lệnh cho ông xây dựng trạm tiếp vận Thượng Hải, lo liệu vật tư và quân trang cần thiết cho đội quân Tây chinh, cấp cho ông khoản tiền tiếp vận; cơ hội thứ tư là lệnh cho ông nhập vũ khí hiện đại cần thiết từ bên ngoài để thu phục Tân Cương, lại cấp cho ông khoản tiền nhập vật tư. Vì thế, không có Tả Tông Đường, tất không có Hồ Tuyết Nham lừng lẫy một thời.
Hồ Tuyết Nham có đường hướng kinh doanh của riêng mình không? Đương nhiên là có. Không những có, mà cách làm của ông, cho đến tận ngày nay, vẫn là hợp thời. Có điều tuyệt đối không phải là kiểu uống rượu chơi hoa, mà tựu trung thể hiện một tay gây dựng trăm năm bền vững với sự nghiệp làm thuốc trong nhà Hồ Khánh Dư. Một loạt tư tưởng “chân thực”, “đúng giá”, “chọn mua hàng tốt”, “bào chế hàng thật”, “vì chữ tín”, “cội nguồn đời sống” mà ông triển khai trong nhà Hồ Khánh Dư, đều là cách thức hiện đại rất có lợi cho công việc, lấy chữ tín để lập nghiệp. Ngay đến “quảng cáo nhân tâm” cũng là sáng tạo của Hồ Tuyết Nham. Sau khi bào chế được thuốc hay, ông chưa vội bán, mà đi tìm cả trăm kẻ lang thang lớn nhỏ, vác lên “túi thuốc Thái Bình” đem phân phát miễn phí dùng thử tại các bến chợ, và phát liên tục trong vòng ba năm, mất toi mười vạn lạng bạc trắng! Sức hấp dẫn của việc quảng cáo rộng rãi, chiến thắng bằng sự chân thực như thế, e rằng ngay cả một số ông chủ nhà máy thời nay cũng chẳng dám bắt chước. Ý thức cạnh tranh của Hồ Tuyết Nham rất lớn. Để chinh phục hai hiệu thuốc khác ở Hàng Châu, trong việc dùng người, kinh doanh, đầu tư, giá cả, ông đều khiến đối thủ chưa lạnh đã run. Đối thủ bảo trong thuốc của ông không có nhung hươu thật, ông liền công khai giết hươu, mà còn tuyên bố trước ngày giờ, bằng cách công khai cho mọi người thấy, dùng cái thật đập lại cái giả, ông đã làm cho đối thủ phải xấu hổ. Về phương diện đối xử với người làm thuê trong xưởng thuốc, Hồ Tuyết Nham cũng là người Trung Quốc đầu tiên áp dụng khoa học hành vi. Lúc đó, ông đã thực hiện “dương phụng” và “âm phụng”, không những nghỉ hưu có lương hưu, mà sau khi chết còn được cấp một khoản. Còn Hồ Tuyết Nham lưu truyền trong xã hội, rõ ràng là hiểu biết chẳng đến đầu đến đũa về phương diện thể hiện đường hướng kinh doanh của mình.
Tại sao Hồ Tuyết Nham lại sa sút? Rõ ràng là, dùng động cơ hơi nước thì không thể biết chắc được. Nghiêm khắc mà nói, sở dĩ Hồ Tuyết Nham lụn bại, bị khám nhà và tịch thu đồ đạc, gây ra tai họa là vì khi thu hút vốn từ bên ngoài, ông đã tâu không đúng lãi suất, bỏ túi khoản hoa hồng. Nhưng nguyên nhân thật sự là ông đã từng bước hoàn thành thời kì quá độ từ tư bản mại bản và tư bản quan liêu sang tư bản dân tộc, giáng đòn mạnh mẽ vào cuộc xâm lược kinh tế Trung Quốc của người châu Âu. Để chống lại việc người châu Âu bóc lột những người dân Trung Quốc trồng dâu nuôi tằm, ông đã bỏ ra khoản tiền lớn, bắt đầu từ việc bao tiêu vườn dâu, bao tiêu tơ tằm, rồi nâng giá bán cho thương nhân châu Âu, khiến cho thương nhân châu Âu vô cùng khó khăn. Hành động của Hồ Tuyết Nham thậm chí làm chao đảo cả thị trường London thời bấy giờ. Sự bực tức của người châu Âu, cộng với cuộc tranh giành giữa Lý Hồng Chương và Tả Tông Đường, tự khắc khiến Lý Hồng Chương phát ra mật lệnh “muốn đánh đổ Tả phải đánh đổ Hồ trước”, khiến Hồ Tuyết Nham trở thành vật hi sinh trong cuộc tranh giành chính trị.
Nên bình luận như thế nào, có thái độ ra sao đối với nhân vật lịch sử Hồ Tuyết Nham vốn vô cùng phức tạp và khó đánh giá này, từ trước đến nay mỗi người mỗi ý. Nhưng vô vàn những ghi chép sử sách và tấm lòng tưởng nhớ tới ông của người dân quê nhà đã thể hiện tương đối khách quan con người ông trước mắt độc giả, mà vẫn không mất đi giá trị nhận thức và ý nghĩa hiện thực. Đặc biệt là trong công cuộc phát triển mạnh mẽ nền kinh tế hàng hoá xã hội chủ nghĩa ngày nay, thì điều đó càng đúng. Khi đến thăm phủ Hồ Khánh Dư ở Hàng Châu, người viết đã mời một số thầy lang tuổi ngoài 80 đến toạ đàm. Bậc sinh thành ra họ dù là người làm thuê cho Hồ Tuyết Nham, thì vẫn có thể nói lưu truyền ngàn đời, chuyện cũ luôn mới. Ngay cả những thầy lang cao tuổi cũng vô cùng thương nhớ ông tổ của nhà Hồ Khánh Dư này, điều này không thể không có lí.
Lịch sử là lịch sử, tiểu thuyết là tiểu thuyết. Nhưng diễn giải cũng nên có mức độ. Chính vì xuất phát từ những suy nghĩ này, nên chúng tôi viết lại về Hồ Tuyết Nham, gửi tới bạn đọc, mong nhận được ý kiến đóng góp phê bình.
- Chung Nguyên
- Doanh Vịnh
- NXB Tri thức
Sản phẩm này chưa nhận được đánh giá nào. Bạn hãy là người đầu tiên đánh giá nhé!