Người Đàn ông Kể Chuyện
Văn Định vào Hội Nhà văn Việt Nam sớm. Anh là người sống lăn lộn, ở nhiều nơi, làm nhiều việc. Quê anh ở Cái Bát, Cà Mau. Nhưng anh đi kháng chiến từ nhỏ, nhiều năm ở chiến khu từ miền Đông đến rừng đước U Minh. Đã từng là bộ đội cầm súng chiến đấu được tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương... Hòa bình anh về làm việc ở Long Xuyên, tỉnh An Giang. Rồi anh về TP. HCM. Giờ đang ở Phan Thiết, làm chủ một cơ ngơi rộng lớn.
Nhưng trên hết, Văn Định là một con người Nam bộ “đặc sệt”. Lúc nào ta cũng thấy anh quần áo bạc phếch, đi đứng tất bật. Đang ở Long Xuyên thấy anh ở Cần Thơ. Rồi tuần sau gặp anh ở Cà Mau, ngồi chồm hổm trên ghế sa lông kể chuyện hàng giờ với một ông bạn cố tri hồi trong chiến khu, kể chuyện rừng đước, rừng mắm, đáy sông và đáy hàng khơi, các vùng giáp nước 13 tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long. Không chuyện gì anh không biết.
Có chuyện như thế này. Một người bạn bị bịnh, nhờ anh tìm cho bình rượu rắn 9 con. Chuyện không dễ. Nhưng anh đáp: “Có ngay”. Và tháng sau bình rượu rắn được đặt trước mặt người bạn, chỉ tay gọi chính xác từng con: Hổ Đất, Hổ Ngựa, Cạp Nông, Rắn Lục, Hổ Mây, Mái Gầm, Rắn Trung, Rắn Ráo, Hổ Trâu. Văn Định là người như thế. Và tất cả sự thông thạo hiểu biết đó, sự tháo vát đó, nghĩa tình đồng đội đó, ta sẽ thấy trong tập truyện ngắn sau đây của anh.
Truyện đầu tiên, Bên kia sông là tiếng thở buồn, giọng thì thầm của một cuộc sống bình dị, chân chất vùng đồng bằng châu thổ. Là số phận hẩm hiu sau chiến tranh. Bên kia sông có một cô gái, một lần tình cờ anh chiến sĩ gặp mặt, thầm yêu trộm nhớ. Cô cũng không thờ ơ. Nhưng rồi thương tật, tuổi trẻ đã qua, anh chỉ còn biết lấy hạnh phúc của người yêu làm hạnh phúc của mình. Chuyện như một bài thơ, không có trắc trở, không nhiều éo le, bàng bạc hiền hòa như cây cỏ, trời mây vùng sông nước. Nhưng đọc cứ thấy lâng lâng.
Truyện ngắn Lời thề không thiêng cũng có cốt truyện giống như vậy, nhưng có cách nhìn khác. Chàng và nàng yêu nhau, thề thốt chuyện trăm năm. Nhưng rồi chàng thẳng tiến trên con đường công danh, quên lời thề xưa. Hoặc coi lời thề là không quan trọng, chỉ là chuyện tầm thường trong sinh hoạt, nông nổi của tuổi trẻ. Nhưng rồi năm tháng qua đi. Tình cờ gặp lại, biết nàng vẫn âm thầm đợi chờ, không một lời trách cứ, giận hờn, vẫn một lòng tin tưởng thương yêu, chàng thấy ngậm ngùi xốn xang. Thiếu gì những chuyện như vậy trong đời sống chúng ta. Có thể dễ dàng đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho chiến tranh. Nhưng còn con người thì ở đâu?
Truyện ngắn Trở gió nói về một hiện thực rất “thời sự” trong cuộc sống hiện tại. Chúng ta có ba mươi năm giành chính quyền và hơn ngần ấy năm giữ chính quyền. Công việc sau, giữ chính quyền, không có đạn bom, có quyền lực trong tay, nhưng không dễ dàng chút nào. Nhiều chuyện như ở Tiên Lãng, lặp lại như trên cánh đồng Nọc Nạng năm xưa. Ăn cắp, hối lộ, tự tư tự lợi, thu vén cá nhân, lấy của chung làm của riêng, ức hiếp quần chúng, đó là cái “bịnh” của chính quyền địa phương. Truyện ngắn nói về những cái đó. Có câu nói rất hay ở cuối truyện: “Cây súng trong tay người cách mạng là để đương đầu với giặc, xông lên bắn nó để bảo vệ nhân dân. Chớ chỉa vào mặt bà con mình là điều đáng ghê tởm”.
Hồi xưa bên Tây có truyện Cối xay gió nổi tiếng. Có máy hơi nước rồi không ai còn dùng cối xay gió nữa. Nhưng có một ông nông dân vẫn cho cối xay gió của mình quay đều đều. Hóa ra có người rình coi, thấy ông đổ trấu vào đó, chứng tỏ mình vẫn ăn nên làm ra, cương quyết chối từ máy móc hiện đại. Truyện ngắn Chiếc cầu cũng là mô típ như vậy, phổ biến trong văn chương, nhưng lặp lại vẫn không nhàm chán. Chuyện kể người ta có xây một cây cầu, người lái đò mất việc làm, tức tối, giận hờn, chửi bới. Đó là điều tất nhiên, đụng đến nồi cơm, cuộc sống. Nhưng đất nước không thể không đi lên, không thể không xây cầu. Như hồi xây cầu Cần Thơ, bao nhiêu bài văn “khóc thương” cho dân phà Cần Thơ. Thường là như vậy, con người ta cứ hay thích nhớ lại thời êm đẹp khi xưa. Ta chấp nhận việc xây cầu, nhưng ta vẫn thương người lái đò, văn chương hay có kiểu “hồi cố” như vậy. Bao nhiêu năm những bài văn, bài thơ, bài hát về “Ông lái đò” vẫn sống mãi trong lòng mọi người.
Nhà văn Sê-khốp của Nga thế kỷ 19 khuyên các nhà văn trẻ đi xe lửa nên đi vé hạng ba, ý nói nên gần gũi với quần chúng lao động nghèo. Ở ta đi xe đò, tàu đò, tác-ráng cũng giống như vậy. Truyện ngắn Trên chuyến xe là một hoạt cảnh thật thú vị. Đủ hạng người, đủ chuyện hay dở trên một chuyến xe, một bức tranh thu nhỏ của cuộc sống người lao động. Có một chi tiết đặc sắc, cám ơn tác giả đã ghi lại, lịch sử đất nước cũng cần ghi lại. Đó là cảnh thời ngăn sông cấm chợ, khách đi đường mang theo túm gạo cũng bị thu giữ. Một đất nước xuất khẩu gạo nhứt nhì thế giới sao rơi vào cảnh như vậy? Một dân tộc trải qua 30 năm chiến tranh, bao đau thương tang tóc, hòa bình rồi sao đáng đối xử như vậy?
Truyện ngắn Lá thư của mẹ là truyện ngắn nhứt và cũng có lẽ là truyện hay nhứt trong tập truyện. Chiến tranh đã qua gần bốn mươi năm. Nhưng những người trải qua chiến tranh vẫn chưa nguôi về những đau thương mất mát và chắc rằng không bao giờ nguôi. Mỗi khi nhắc lại vẫn cứ thấy đau xé. Người mẹ ấy, thời con gái lấy chồng là một du kích, sanh được đứa con gái. Rồi hoàn cảnh đẩy đưa, do non lòng nhẹ dạ, cũng do gia đình ép buộc, người đàn bà đi bước nữa, lấy người chồng thứ hai, là người phía đối địch. Và rồi bi kịch xảy ra, chỉ có thể có trong chiến tranh: người chồng trước bị người chồng sau giết chết. Rồi năm tháng qua đi, mọi người cũng quên đi. Nhưng không thể quên đối với một đứa trẻ. “Hình ảnh người cha nằm gục trên vũng máu trước sân nhà cứ ăn sâu vào máu, vào tim cô bé...”. Đứa con gái 7 tuổi hồi đó nhớ lại cảnh ba nó bị người chồng sau của má nó giết chết. Chuyện thật buồn, nhưng chưa phải là chính yếu. Cái chính yếu là bức thư của người mẹ. Sau mấy mươi năm, chiến tranh đã qua rất lâu, người đàn bà ngày xưa giờ là một bà già thân tàn ma dại, sống bằng nghề moi rác. Không còn gì nữa, tất cả đã mất hết. Nhưng người đàn bà không thể quên con, là núm ruột, là duy nhứt. Chết rồi người đàn bà vẫn không yên, vẫn để lại bức thư. Đó là tiếng kêu bi thương của một hương hồn sám hối. “Một ngàn, một vạn lần mẹ không đáng để con gọi bằng mẹ...” Bức thư mở đầu như thế. Và tiếp theo là những lời xé lòng. Ta có thể trách cứ, thậm chí xỉ vả, miệt thị người đàn bà lầm lỗi đó. Nhưng ai đã trải qua chiến tranh, bị chiến tranh làm cho vật vã, mới thấy đó là những mảnh đời ở đâu cũng có, gia đình nào cũng có. Đi khắp nơi, nhìn vào từng gia đình, lắng nghe những cầu chuyện, ta sẽ hiểu ra chiến tranh đã làm đảo lộn mọi thứ như thế nào. Và ta sẽ tha thứ cho người đàn bà đó.
Tập truyện có 17 truyện ngắn. Có truyện viết về chiến tranh, có truyện viết về thời bình. Tác giả là người am hiểu quê hương mình, bà con thân thuộc mình, có khi cả bản thân mình. Những câu chuyện giản dị, chân thật, giọng kể nhẹ nhàng, tỉ mỉ. Ta đọc truyện có cảm giác như đang ở bên này sông, nghe văng vẳng từ bên kia sông những câu chuyện kể, lan qua trên mặt nước, những tiếng thì thầm cùng với làn gió nhẹ. Ta lắng nghe và nhớ ra có một thời, ta cũng có một làng quê như thế...
(Người kể chuyện hay của đồng bằng sông Cửu Long - Lê Văn Thảo)
- Văn Định
- NXB Văn Hóa - Văn Nghệ
Sản phẩm này chưa nhận được đánh giá nào. Bạn hãy là người đầu tiên đánh giá nhé!