Tủ Sách 8X - Ngoan Nào, Anh Sẽ Luôn Bảo Vệ Em

978604681167
Phương Nam Online
Từ nhà sách đầu tiên năm 1982, Nhà Sách Phương Nam đã trở thành hệ thống nhà sách uy t...

Truyện ngắn Ngoan Nào, Anh Sẽ Luôn Bảo Vệ Em

 

Chúng tôi chẳng biết ai là anh, ai là em. Từ ngày có mặt trong căn nhà ấm áp này, chẳng ai bảo cho chúng tôi biết điều đó. Có lần tôi đề nghị với anh bạn cùng nhà kia:

 

- Gọi tớ là chị đi, tớ thích làm chị lắm!

 

Nhưng anh bạn quả là cứng đầu, con trai mà chẳng biết ga lăng nhường nhịn con gái gì cả, lại còn gân cổ lên nói với tôi:

 

- Tớ là anh, gọi tớ là anh đi, tớ sẽ bảo vệ cho cậu

 

Thật nực cười, tôi cần gì phải bảo vệ cơ chứ. Trong ngôi nhà ấm áp này, tôi cảm thấy đã quá hạnh phúc, lắm lúc hứng chí với cảm giác hạnh phúc ấy, tôi tung một cú đá lên cao. Tức thì có tiếng “á” rất thanh vang lên. Tôi biết như thế là quá đáng với mẹ, từ đó cố gắng kềm nén cảm giác khoan khoái ấy của mình. Ở trong này, một chút nguy hiểm cũng không có. Như thế cần gì phải bảo vệ kia chứ! Càng nghĩ càng thấy tức cười.

 

Giận.

 

Tôi chẳng thèm nói chuyện với anh bạn nữa. Cuộc đời vẫn cứ tươi đẹp đấy thôi!

 

Mà thực tình thì thấy buồn. Không nói chuyện nên có cảm giác căn phòng này ngột ngạt biết bao nhiêu. Suốt ngày tôi chỉ biết chống hai tay lên cằm nhìn ngắm mông lung. Thỉnh thoảng liếc sang anh bạn, muốn biết anh ta đang nghĩ gì. Có lúc bị anh ta bắt gặp, sợ quá quay vội đi. Thôi, đã vậy chẳng thèm nhìn nữa. Người gì đâu mà...

 

“Một chú nhóc” - tôi nghe rõ tiếng vị bác sĩ thốt lên như là vui lắm. Còn tôi thì tròn mắt kinh ngạc, vội hét toáng lên:

 

- Còn tôi nữa, tôi đây mà!

 

Nhưng vị bác sĩ kia không nghe thấy, chắc đang mải cười típ mắt lại chứ đâu. Vớ vẩn thật, con trai, hay con gái gì thì cũng là con của mẹ tôi chứ có phải con bà ấy đâu. Vấn đề là, bà ấy không nhìn ra tôi để báo với mẹ một tiếng, biết đâu mẹ còn vui hơn nữa.

 

Tủi thân, tôi khóc váng lên, khóc rung cả người mà cả mẹ và vị bác sĩ kia không nghe. Đã thế tôi còn hiện diện trên cõi đời này làm gì kia chứ? Đến lúc tiếng khóc còn lại là tiếng nấc, người tôi vã cả mồ hôi, mệt muốn đứt hơi thì có bàn tay đặt lên vai tôi. Tôi quay lại, là anh bạn cùng nhà. Anh nhìn tôi bằng cặp mắt hết sức thông cảm và hiểu chuyện. Được đà, tôi khóc rống lên một lần nữa. Nhưng lần này cảm thấy dễ chịu hơn.

 

- Đúng là con gái!

 

Tôi im bặt. Không thể yếu đuối thế trước mặt anh bạn kia được.

 

- Nghe tớ nói đây. Rõ ràng là cậu nhỏ hơn tớ, nên vị bác sĩ mới chỉ nhìn thấy tớ mà không thấy cậu. Thế nên từ nay cậu phải gọi tớ là anh đàng hoàng đấy! Yên tâm đi, anh sẽ bảo vệ cho em mà!

 

Bỗng dưng anh ta đổi cách xưng hô làm tôi đang buồn bực cũng mém bật cười thành tiếng. Suy nghĩ một lát tôi liền gật đầu đồng ý. Nhưng không phải đề được ông anh bảo vệ mà chỉ là tôi chán cảnh sống cùng nhà mà giận nhau rồi. Buồn chết đi được. Nhất là khi thân phận tôi không được nhìn nhận như bây giờ.

 

Thỉnh thoảng, mẹ lại xoa đầu anh (mà có khi là xoa ngay đầu tôi ấy chứ!) và thốt ra những lời lẽ nghe hết sức êm ái: “Con trai yêu của mẹ, mẹ dành tất cả cuộc đời còn lại của mẹ cho con”. Khi ấy tôi lại bật khóc. Còn tôi thì sao? Sao mẹ lại có thể nói thế khi có mặt tôi ở đây. Anh thấu hiểu tâm trạng tôi, dỗ dành: “Em yên tâm, anh sẽ bảo vệ cho em, đừng khóc nữa nhé!”. Kèm theo lời nói ấy, anh kéo tôi lại gần anh hơn như để che chở.

 

Một ngày.

 

Tôi hỏi anh:

 

- Chúng ta có ba không anh?

 

- Có chứ! Đương nhiên là có rồi, em ngốc quá!

 

Nếu bình thường, tôi sẽ gân cổ lên cãi. Anh là anh nhưng có hơn tuổi tôi đâu mà bày đặt. Nhưng lúc này, tâm trạng tôi đang có nhiều “uẩn khúc” lắm nên chẳng hơi sức đâu mà đôi co.

 

- Thế sao không thấy cha xoa đầu anh em mình giống như mẹ?

 

- Là vì... à, vì... ba bận đi công tác xa.

 

- Nhưng nếu như ba về, cha có yêu thương anh em mình giống mẹ không anh?

 

Anh nhăn nhăn trán, vẻ như không muốn trả lời câu hỏi của tôi. Biết ngay mà. Anh còn cáu:

 

- Em hỏi nhiều thế làm gì?

 

- Em muốn biết - tôi bắt đầu rưng rưng muốn khóc.

 

- Thôi, em đừng suy nghĩ nữa. Như thế sẽ mau già lắm!

 

Tôi không phải sợ... già nên im, mà vì tôi biết anh cũng chẳng biết gì về cha. Thực ra anh cũng lo lắng như tôi vậy, nhưng lỡ nhận làm anh nên phải cứng cỏi vậy thôi. Phải chi tôi có thể hỏi mẹ. Chắc chắn mẹ sẽ nói cho tôi biết về cha. Tôi tò mò lắm!

 

Một lần duy nhất, tôi lỡ chân làm thành cú va chạm khá mạnh. Khi ấy, một tay mẹ ôm bụng vì đau, tay còn lại mẹ xoa đầu anh em tôi. Vẫn bằng giọng rất đỗi êm ái: “Ngoan nào con, rồi ba sẽ về với chúng ta. Nhất định ba sẽ về!”.

 

Nhưng chờ mãi chẳng thấy ba về gì cả. Dạo này, mẹ ở hẳn nhà, cứ đi ra đi vào như mong ngóng. Thỉnh thoảng lại thở dài (người lớn mà thở dài là đang buồn đấy!). Anh em tôi cũng buồn theo. Tôi mong đến ngày được gặp mẹ, được ôm chặt lấy mẹ và an ủi mẹ đừng buồn nữa, nếu như cha con mãi mãi không trở về.

 

Tôi cũng mong ba lắm, nhưng dù sao tôi cũng chịu đựng được. Tôi muốn ôm bớt cái khổ cho mẹ. Ôi, con thương mẹ quá đi mất!

 

Cuối cùng, cái ngày tôi mong đợi cũng đã đến. Hôm ấy, anh dặn tôi:

 

- Anh nhường cho em ra trước đấy! Vì mọi người chưa biết em nên em phải ra trước để còn chào hỏi. Anh thì từ từ ra sau cũng được.

 

Ôi anh yêu dấu, ít ra anh cũng phải thế để tôi không hối hận khi gọi tiếng anh chứ!

 

- “Con gái à?” - giọng một vị bác sĩ đầy thảng thốt. Rõ ràng là con trai cơ mà!

 

Giận bà ấy quá đi mất. Nhưng đến khi bàn bay mềm mại của bà xoa nắn khắp người, tôi nguôi bớt cơn giận. Quả là rất dễ chịu. Tôi tính nói với bà ấy là, anh tôi còn trong ấy. Nhưng chưa kịp cất lời thì gịọng bà ấy vang lên:

 

- Coi cái môi nó cong lên kìa, lớn lên là nhiều chuyện phải biết!

 

Mất hứng, tôi im bặt. Sao lại nói tôi thế kia chứ! Đã thế tôi bịt luôn hai tai lại.

 

Tôi vẫn chưa được thấy mẹ. Ở ngoài này lạnh quá đi mất. Sao anh tôi làm gì mà lâu thế kia chứ! Tôi bắt đầu cảm thấy lạc lõng giữa đạm bạn bè đồng trang lứa với mình. Nhìn chúng nó ngủ ngon lành quá, còn tôi thì nôn nao gặp mẹ nên chẳng thế nào chợp mắt được. Kiểu này tôi sẽ mau già thật chứ chẳng chơi!

 

“Hai chị em giống nhau quá! Xinh đẹp như hai thiên thần vậy” - họ nói thế khi đặt anh nằm cạnh tôi. Tôi định cãi: “Là anh em chứ không phải chị em” nhưng chợt nhớ tới câu nói khi nãy của bác sĩ nên in lặng. Người lớn cứ nhìn một phía rồi chụp mũ như thế.

 

Có anh bên cạnh, tôi thấy yên tâm hẳn. Cũng bớt ghét họ vì cái tội bình phẩm tôi này nọ, khi mà họ nó với mẹ bằng cái giọng cũng hết sức êm ái: “Ổn cả rồi, cả hai cháu đều xinh như chị vậy!”. Tôi tưởng tượng mẹ sẽ cười. Ôi, mẹ mà cười là đẹp nhất trên trần đời này.

 

Vừa chợp mắt chút thì có bàn tay lay tôi dậy. Phiền thật đấy, họ không biết là khó khăn lắm tôi mới thiếp đi được. Tôi còn phải lấy tinh thần thật thoải mái để gặp mẹ. Tôi có nhiều chuyện muốn nói với mẹ lắm cơ. Giọng cô y tá trong trẻo: “Người nhà có thể vào thăm rồi đấy ạ!”. Tức thì, rất nhiều người lớn rồng rắn nhau đi vô. Họ có vẻ rất đỗi vui mừng vì có thêm tôi đấy! Nghĩ vậy, mặt tôi hơi vênh lên chút.

 

Đông quá! Tôi cứ ngỡ chỉ có anh với mẹ là “người nhà” với tôi chứ! Thế này thì chẳng sợ cô đơn nữa! Mà đã dặn mình rồi, đừng lo sợ nhiều, suy nghĩ nhiều kẻo mau già. Xem ra chẳng thể làm theo suy nghĩ mách bảo được.

 

Trong đám người nhà của tôi, có duy nhất một người đàn ông cao to vạm vỡ. Đôi mắt của ông ta sáng rỡ khi nhìn thấy anh em chúng tôi. Đến khi ông ta lại gần bên mẹ, nhẹ nhàng nắm lấy bàn tay mẹ thì tôi thốt lên sung sướng. Ôi, bố của con!

 

Nhưng sao thế, mẹ rút bàn tay trắng ngần ra khỏi tay bố. Chẳng nói gì, quay đi, tôi còn kịp nhìn thấy hai giọt nước mắt của mẹ lăn dài trên má. Tôi định quay sang hỏi anh, nhưng chắc chắn anh không tinh tế bằng tôi nên chẳng nhận ra đâu. Con trai mà!

 

Đến khi tôi nghe có tiếng một người lớn tuổi vang lên khàn khàn: “Anh cũng quá đáng lắm, vợ bụng mang dạ chửa thế mà còn ra ngoài mèo mỡ được. Con dâu tôi có tội lỗi gì mà phải chịu đựng người chồng như anh kia chứ!”, rồi một tiếng cũng khan khàn đáp lại: “Thôi, anh ấy biết lỗi rồi mà!”. Rồi vài giọng khác vang lên. Mẹ vẫn im lặng. Đến đây thì tôi hiểu ra chuyện. Lòng cũng thấy giận bố ghê gớm. Có lẽ từ bây giờ, tôi ghét nhất thói trăng hoa của đàn ông.

 

Mọi người về hết còn mình bố ở lại với mẹ. Mẹ vẫn tránh mặt bố bằng cách quay đi. Tôi thấy bố nhìn hai anh em tôi một cách hết sức trìu mến. Ngón tay to kềnh của bố di di lên bụng tôi, nhột chết đi được. Đến khi râu trên cằm bố cạ cạ vào má tôi thì tôi biết tôi không ghét bố nữa rồi (như thế có là thiếu lập trường không nhỉ?). Nhưng bố yêu tôi thế kia mà! Lát nữa anh ngủ dậy, tôi sẽ bàn với anh kế hoạch giúp bố cho mẹ nguôi giận. Ai chẳng có lỗi lầm kia chứ!

 

Những ngày sau đó thật là tuyệt vời vì bố ở hẳn nhà với mẹ và anh em tôi. Nhất là khi nghe vị bác sĩ tốt bụng căn dặn: “Chị nhà mất máu nhiều. Anh cần phải tẩm bổ cho chị lại sức đó!”. Tôi ngẫm nghĩ, đúng ra vị bác sĩ căn dặn cả mình mới phải chứ nhỉ? Bố loay hoay dưới bếp, rồi giặt giũ, dọn dẹp. Chốc chốc lại chạy vào nhìn anh em tôi, có cả mẹ đang ngủ bên cạnh. Tôi muốn nói với bố: “Bố yên tâm mà làm việc, con với anh sẽ ngoan ngoãn nằm yên cho mẹ ngủ”.

 

Từ ngày ra ngoài này, anh ngủ miết. Tôi hỏi, anh còn cằn nhằn: “Phải ngủ nhiều như thế mới là ngoan. Em cũng ngủ đi!”. Nhưng tôi vẫn không ngủ, ai bảo tôi không ngoan kia chứ! Chẳng qua là nếu mẹ cứ giận bố thế này thì tôi chẳng thể nào ăn ngon ngủ yên được. Thật đấy!

 

Một buổi sáng. Bố nhấc bổng tôi trên tay, loay hoay thế nào làm tôi chóng cả mặt, mất thăng bằng đến xém rơi ra khỏi tay bố. Nhưng không sao đâu, lần đầu tiên ai chẳng thế. Đến khi tôi sắp rơi lần nữa thì mẹ lên tiếng: “Anh phải bến con thế này”, rồi rất nhẹ nhàng, mẹ đỡ lấy tôi từ bàn tay bố, xoay hẳn tôi vào sát cái bụng phệ phệ của bố. Tay kia của bố vòng qua người tôi. Như thế này tôi thấy yên tâm hơn rồi. Trong khoảng khắc tuyệt vời ấy, lúc mẹ cúi xuống đặt tôi vào vòng tay ba, tôi còn kịp nhìn thấy bố hôn lên trán mẹ. Mặt mẹ có hơi ửng lên thì phải.

 

Ô là la... Tuyệt thật. Vui đến phát khóc lên ấy. Tôi phải báo ngay tin này cho anh mới được. Mà nếu thấy tôi chảy nước mắt thế này, thể nào anh chẳng nói: “Thôi nín đi nào, anh sẽ luôn bảo vệ cho em!”.

Loại sản phẩm
Bìa mềm
Kích thước
13 x 20.5 cm
Số trang
105
Tác giả
  • La Thị Ánh Hường
Nhà Xuất Bản
  • NXB Văn Hóa - Văn Nghệ
Find similar

Sản phẩm này chưa nhận được đánh giá nào. Bạn hãy là người đầu tiên đánh giá nhé!

Có Thể Bạn Cũng Thích
Khám Phá Thêm
Giảm 10%
Còn hàng
399,000 đ 359,100 đ
Giảm 10%
Giảm 10%
Còn hàng
129,000 đ 116,100 đ
Giảm 10%
Còn hàng
159,000 đ 143,100 đ
Giảm 10%
Còn hàng
189,000 đ 170,100 đ
Giảm 10%
Còn hàng
159,000 đ 143,100 đ
Giảm 10%
Còn hàng
219,000 đ 197,100 đ
Giảm 10%
Còn hàng
125,000 đ 112,500 đ
Giảm 10%