Hát Bội, Đờn Ca Tài Tử Và Cải Lương Cuối Thế Kỷ 19 Đầu Thế Kỷ 20
Trên hành trình mở cõi Phương Nam lưu dân Việt đã mang theo mình một hành trang văn hóa. Hành trang đó là niềm hoài vọng cố hương, là nỗi khát khao đổi đời, và lẽ đương nhiên, trong đó các yếu tố văn hóa tinh thần luôn là dấu ấn sâu sắc và mạnh mẽ.
Dấu ấn đó là dòng âm nhạc dân gian với những câu hò, điệu lý miền Trung man mác lời tự tình dân tộc; là dòng Nhạc lễ dân gian luôn gắn bó vòng đời cá nhân với phong tục tập quán của cộng đồng; là dòng âm nhạc cổ điển thính phòng đờn ca Huế vừa tao nhã và sang trọng; là Nhã nhạc cung đình đậm tính chất bác học đã được các nhạc quan, nhạc công dày công gìn giữ dù chế độ phong kiến dần đến chỗ suy tàn; còn là dòng sân khấu hát bội cung đình đã lan tỏa ra đời sống dân gian trở thành một phần quan yếu trong các lễ Kỳ yên ở đình, miễu.
Tất cả nghệ thuật âm nhạc và sân khấu nói trên đã hội tụ ở vùng đất thiên nhiên phóng khoáng, con người năng động luôn có ý thức bảo tồn tục xưa, nếp cũ nhưng cũng sẵn sàng tiếp nhận, dung hợp để rồi cải biến và sáng tạo thêm. Khi công cuộc khẩn hoang lập ấp hoàn thành thì các loại hình nghệ thuật mang đặc trưng ngôn ngữ, lối sống, tính cách và tầm hồn của con người Nam bộ đã hình thành và phát triển với một sức sống vô cùng mãnh liệt. Đó là hát bội, đờn ca tài tử và cải lương.
Các loại hình nghệ thuật nói trên đã được sáng tạo, nuôi dưỡng, phổ biến bởi các trí thức Nho học, Tây học, những nghệ nhân, nhạc sĩ tài hoa và những “mạnh thường quân” ham chuộng nghệ thuật. Nhờ vậy, không bao lâu âm nhạc và sân khấu Nam bộ đã lan truyền khắp vùng Nam bộ. Và từ nửa đầu thế kỷ XX đến nay, các loại hình nghệ thuật này không chỉ dành cho công chúng thưởng thức mà còn là đối tượng nghiên cứu của các nhà Nhạc học, Nghệ thuật học, Văn hóa học, Sử học... trong nước và nước ngoài.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Lê Tuyên - Giảng viên của trường Đại học Quốc gia Úc (The Australian National University) đã làm một cuộc hành trình tìm về nghệ thuật Nam bộ qua tác phẩm Hát Bội, Đờn Ca Tài Tử Và Cải Lương Cuối Thế Kỷ 19 Đầu Thế Kỷ 20 hợp soạn cùng nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp (Australia). Ngoài sự kế thừa các công trình nghiên cứu trong nước, hai tác giả còn tiếp cận được một nguồn tài liệu đáng tin cậy hiện được lưu trữ tại Bảo tàng và Thư viện ở Paris (Pháp). Chính nhờ nguồn tài liệu này mà các thời điểm lịch sử quan trọng đánh dấu sự định hình và phát triển của hát bội, đờn ca tài tử và cải lương dần được hé mở bởi những bằng chứng xác thực.
Tiểu sử tác giả
NGUYỄN LÊ TUYÊN: Nhạc sĩ, nhà nghiên cứu và nhà giáo người Úc gốc Việt. Hiện nay là Giảng viên âm nhạc của Đại học Quốc gia Úc châu (Australian National University), ông đã từng giữ các chức vụ lãnh đạo của Bộ Giáo dục New South Wales: Ủy viên của Ban Sáng tạo Nghệ thuật vùng Tây-Nam Sydney và Phó Giám đốc nghệ thuật Liên hoan trình diễn nghệ thuật Gillawarna.
NGUYỄN ĐỨC HIỆP: Nhà khoa học và nhà nghiên cứu người Úc gốc Việt. Hiện nay là Chuyên viên Khoa học về Ô nhiễm và Khí quyển của Bộ Môi trường và Bảo tồn New South Wales; Cố vấn cho Trung tâm Kỹ thuật Môi trường và Cục Quan Trắc Bảo vệ môi trường TP. Hồ Chí Minh; Thành viên của Trung tâm nghiên cứu STR thuộc Thời báo Kinh tế Sài Gòn. Tác giả của nhiều báo cáo khoa học và nghiên cứu về văn hóa lịch sử Việt Nam cho các tạp chí trong và ngoài nước.
Sản phẩm này chưa nhận được đánh giá nào. Bạn hãy là người đầu tiên đánh giá nhé!