Ký Ức Vụn - Tập 1
Ký Ức Vụn - Tập 1
Ký Ức Vụn - Một cuốn phim sắc nét và ám ảnh
Ký Ức Vụn tập hợp những entry khẩu văn rặt giọng “bọ”, vừa tưng tửng hài hước vừa châm biếm the cay mà không kém chân thực sống động trên blog nổi tiếng Quê Choa. Óc quan sát, khả năng tung hứng ngôn ngữ của tác giả khiến người đọc phải thán phục. Chỉ bằng một vài câu nhẹ tênh, viết mà như nói, nhân vật của ông xông xênh hiện ra, khắc như in vào tâm trí. Những gương mặt, câu chuyện này ta vẫn gặp hàng ngày. Nhưng hình như trong ký ức của ta chẳng được sống động đến thế, mà bảo ta kể lại, ta cũng chịu thua, không cách nào kể ra được cái vị hài hước, đậm đà, the cay như tác giả đã kể.
Không dừng lại ở đó, Ký Ức Vụn còn hấp dẫn người đọc bằng những câu chuyện cảm động về bạn bè thời thơ ấu, về tình nghĩa thầy trò thuở chiến tranh, về những người nông dân chân chất chẳng giống ai mà ngày bé tác giả từng thân thuộc… Cuốn sách còn dành hẳn một phần riêng về những bạn bè nghệ sĩ đã cùng đi với nhau trên quãng đường nghệ thuật. Dưới ngòi bút đầy ma lực của Bọ Lập, những tính cách, những câu chuyện, những số phận cứ thế hiện ra như trên một cuốn phim, sắc nét và ám ảnh.
Ký Ức Vụn là cuốn sách độc đáo và dung dị, hài hước và thâm thúy, bất cứ ai đã đọc một lần cũng đều không thể quên.
Một số nhận định về Ký Ức Vụn
Đọc Ký Ức Vụn, nhiều người cười nghiêng ngả vì cái tục, cái thanh được hòa vào làm một. Văn Ký Ức Vụn rất tục, giống giọng người ta thường nói khi cùng ngồi chén chú chén anh. Những câu chửi cửa miệng như “mịa”, “bố mày”, “cụ chúng mày”, hoặc phương ngữ như “ẻ vô”…, được sử dụng hợp ngữ cảnh tới nỗi chỉ khiến người đọc chỉ biết cười, không thấy gợn gặn. Có lẽ vì thế TS. Đỗ Ngọc Thống thấy cái tục trong văn Nguyễn Quang Lập là một biện pháp tu từ. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên thấy “Lập nói tục rất có duyên”.
(Nhà báo Kim Sen)
Ký Ức Vụn, nếu là trong một mâm nhậu vài ba thằng đọc to lên với nhau chắc phải phát sặc lên vì cười, và cả tức nữa, đến muốn đập chén chửi vang. Nhưng một mình nằm đọc thì chẳng thấy buồn cười. Chẳng thấy tục. Chẳng thấy bỗ bã. Đây là một tác phẩm sâu nặng buồn vui. Buồn nhiều hơn vui. Những mảnh ký ức khía vào tim người đọc. Càng khía sâu hơn bởi cách viết - tôi không biết gọi sao cho đúng cái cách viết ấy: thảo khấu, cười cợt, báng bổ, làm loạn, trêu ngươi? - khiến chữ nghĩa tương phản với nội dung. Đấy là cách viết của sự “trên tài”. Một tác phẩm bi kịch đời người mà chữ nghĩa lại gây cười thì trên tài hơn hẳn những nỗi buồn cao sang nhưng thô thiển, ầm ĩ và lồ lộ ra trên các trang sách tràn ngập những tính từ bi ai.
(Nhà văn Bảo Ninh)
Thông tin tác giả
Nguyễn Quang Lập, sinh ngày 30 tháng 4 năm 1956 tại Ba Đồn, Quảng Trạch, Quảng Bình
Là nhà văn, nhà viết kịch, nhà biên kịch điện ảnh nổi tiếng
Được trao giải nhà biên kịch xuất sắc nhất trong liên hoan phim Việt Nam lần thứ 13.
Chủ chiếu blog Quechoa với hơn 100 triệu lượt view
Tác giả viết nhiều thể loại khác nhau và trên thể loại nào cũng gây được tiếng vang. Xin trích ra đây một số tác phẩm nổi tiếng của ông:
- Tạp bút: Bạn văn,Ký ức vụn, Chuyện nhà quê, Chuyện đời vớ vẩn…
- Truyện ngắn và tiểu thuyết: Tiếng gọi phía mặt trời lặn, Những mảnh đời đen trắng, Hạnh phúc mong manh, 49 cây cơm nguội…
- Kịch bản sân khấu: Mùa hạ cay đắng, Ngàn năm tình sử…
- Kịch bản điện ảnh: Đời cát, Thung lũng hoang vắng…
- Nguyễn Quang Lập
- NXB Văn Học
Sản phẩm này chưa nhận được đánh giá nào. Bạn hãy là người đầu tiên đánh giá nhé!