Một Nửa Sự Thật - Nhận Định Về "Nhân Tố Enzyme" Của BS Hiromi Shinya
Hiện nay, các thông tin về dinh dưỡng và thực phẩm có thể được tìm thấy ở mọi nơi, từ báo chí, các trang web đến mạng xã hội, cả chính thống và không chính thống. Hằng ngày, có hàng nghìn thông tin về dinh dưỡng được đưa ra nhưng không có ai kiểm chứng những thông tin ấy. Có những người lại vì mục đích bán hàng mà đưa ra những thông tin sai lệch. Với biển thông tin lớn như vậy, rất khó để mọi người có thể lựa chọn được thông tin nào là đáng tin cậy.
Đáng chú ý, hiện có rất nhiều thông tin về dinh dưỡng, an toàn thực phẩm được trích dẫn là về “Nhân tố enzyme”, một thứ nhân tố diệu kỳ mà bác sĩ Hiromi Shinya cho là sẽ quyết định sức khỏe của một người. Ông là một bác sĩ nổi tiếng và là tác giả của quan điểm về enzyme diệu kỳ. Theo ông, chỉ cần ăn uống là có thể chữa lành bệnh tật mà không cần đến y học hiện đại. Bác sĩ Shinya đưa ra quan điểm của mình về dinh dưỡng và sức khỏe dưới cái nhìn của một bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa. Thế nhưng những gì ông dẫn chứng chỉ là một nửa sự thật, và một nửa sự thật thì không phải là sự thật.
Tác giả Vũ Thế Thành là thạc sĩ quản trị chất lượng, chuyên gia an toàn thực phẩm, giảng viên về an toàn thực phẩm của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP). Ông đã có nhiều bài viết về an toàn thực phẩm trên các báo uy tín cũng như viết sách về vấn đề dinh dưỡng và an toàn thực phẩm.
Với cuốn Một nửa sự thật, tác giả đưa ra những thảo luận dưới góc nhìn an toàn thực phẩm về những loại thực phẩm mà nhiều người, tin theo quan điểm của bác sĩ Shinya, cho là có hại và cần loại bỏ. Không chỉ đưa ra những luận điểm và dẫn chứng khoa học đầy đủ, ông còn đưa vào sách ý kiến chuyên môn của hai bác sĩ Trần Phạm Chí và Phạm Nguyên Quý về những vấn đề thuộc phạm trù y học.
Cuốn sách Một nửa sự thật được viết nhắm tới độc giả không chuyên. Các lý thuyết và thuật ngữ hàn lâm đã được giản lược đến mức đơn giản nhất có thể. Bằng ngôn ngữ giản dị, hóm hỉnh, tác giả đã chỉ cho chúng ta thấy một nửa còn lại của sự thật bị che giấu, để thấy được vấn đề đúng như bản chất của nó và bớt lo lắng về những điều không thật sự quan trọng.
MỘT SỐ TRÍCH ĐOẠN:
Với khoa học, quan sát một hiện tượng nào đó rồi đưa ra giả thuyết là điều bình thường. Chưa thể chứng minh lúc này thì lúc khác, những người đi sau sẽ chứng minh đúng sai.
BS Hiromi Shinya thừa nhận “enzyme diệu kỳ” chỉ là giả thuyết. Số liệu lâm sàng là do bác sĩ này đã quan sát hệ tiêu hóa của 300.000 người. Con số ấy thật tuyệt cho nghiên cứu, nhưng số liệu được thiết lập thế nào, chọn mẫu ra sao, nam nữ, già trẻ, lớn bé, bệnh khác đi kèm… đã không được nêu ra trong sách, dù chỉ là một bản thống kê ngắn gọn. Vậy mà Bác sĩ đã đi kết luận, đó là “minh chứng tuyệt vời cho giả thuyết”.
Bác sĩ Hiromi Shinya đã biến giả thuyết thành hiện thực bằng một “minh chứng tuyệt vời” với 300.000 bệnh nhân mà chỉ một mình ông biết.
Tóm lại, muối tinh hay muối biển cũng đều là natri clorua. Vấn đề là natri, chứ không phải do muối biển có thêm khoáng này khoáng nọ. Ngay iod có trong muối biển cũng chỉ ở dạng vết, không đáng kể, nên mới phải bổ sung iod theo chính sách y tế của mỗi quốc gia.
Muối là muối, bất cứ muối nào, dù là muối tinh, muối biển, muối hồng Himalaya, muối xám, muối Celtic… hay muối gì đi nữa cũng đều là muối natri clorua.
Thừa natri không có lợi cho cơ thể, không chỉ bất lợi cho huyết áp, mà thừa natri còn làm mất cân bằng điện giải, thận phải làm việc quá nhiều, tích nước dẫn đến phù nề… Bởi thế, giới y học mới khuyến cáo hạn chế ăn muối, bất kể là muối nào.
- Phạm Nguyên Quý
- Trần Phạm Chí
- Vũ Thế Thành
- Medinsights
- NXB Dân Trí
Sản phẩm này chưa nhận được đánh giá nào. Bạn hãy là người đầu tiên đánh giá nhé!