Đường Hai Ngả - Người Thương Thành Lạ (Tái bản)
Thông cáo báo chí tác phẩm mới – Tập truyện ngắn
ĐƯỜNG HAI NGẢ, NGƯỜI THƯƠNG THÀNH LẠ
--ANH KHANG--
Sau khi “Ngày trôi về phía cũ” ra mắt và nhận được nhiều sự đồng cảm từ phía độc giả (gần 20.000 bản sách được bán ra sau một năm), tác giả Anh Khang sẽ giới thiệu tập truyện ngắn mang tên “Đường hai ngả, người thương thành lạ” vào tháng 9 này.
Thành công từ tác phẩm trước đã để lại dấu ấn đẹp trong lòng công chúng nên khi thông tin tập truyện “Đường hai ngả, người thương thành lạ” chuẩn bị phát hành, đông đảo bạn đọc đã trông chờ và ủng hộ. Mặc dù sách chưa chính thức lên kệ nhưng đã có hơn 5.000 cuốn sách được bán sạch veo thông qua các đơn đặt hàng trước tại các nhà sách trực tuyến và nhanh chóng xếp đầu bảng “Sách bán chạy nhất” của nhiều nhà sách uy tín. Có thể nói, Anh Khang là cây bút trẻ đầu tiên lập được kỷ lục sách chưa phát hành đã có lượng tiêu thụ cao đến thế. Dự kiến từ đây cho đến ngày phát hành chính thức (20/9/2013), 10.000 cuốn sách trong đợt in đầu tiên cũng sẽ được bán ra và “Đường hai ngả, người thương thành lạ” sẽ trở thành một trong những tựa sách hiếm hoi phải tái bản ngay khi chưa kịp lên kệ tại Việt Nam.
Nếu như với “Ngày trôi về phía cũ”, Anh Khang kể chuyện chính mình để nói thay lòng những người đồng cảnh ngộ, thì với “Đường hai ngả, người thương thành lạ”, anh lại kể chuyện của thiên hạ để nói hộ lòng mình. Và dù là chuyện người hay chuyện mình, thì đều là những chuyện buồn của những mối tình lưng chừng giữa níu kéo - bỏ buông. Anh Khang cho biết: “Sau khi đã "trôi" miên man về những ngày cũ, cũng đã đến lúc chúng ta neo dừng lại với hiện tại và hiện thực, để nhận ra rằng, lúc này đây, con đường xưa cùng bước đã rẽ về hai ngả và những người mà ta yêu thương nhất đó, cũng trở thành xa lạ - dửng dưng như mưa tan thành nước, xuôi dòng ra biển cả...”.
“Đường hai ngả, người thương thành lạ” gồm 10 truyện ngắn về 10 thành phố và đất nước mà tác giả từng đặt chân đến, từ Cairo, Yangon, Bali đến Thượng Hải, Chiang Mai, Singapore... Lấy bối cảnh về văn hóa bản địa và lối sống sinh hoạt của người dân địa phương, Anh Khang đã kể lại những câu chuyện tình man mác và phảng phất bóng dáng của nhiều mối tình mà bất kỳ ai sống dưới bất kỳ khoảng trời nào cũng đã từng trải qua.
Đó có thể là chuyện tình "đúng lúc - sai người" của người thứ ba trên đất Phật Myanmar để từ đó ngẫm lại lời dạy về Duyên nợ và Nghiệp báo (truyện "Ba lần là Duyên - bà người là Nghiệp"). Hoặc câu chuyện về cách xây dựng Kim tự kháp Ai Cập ngày xưa để kết nối các phiến gạch cổ, qua đó gợi nhắc cho con người ở hiện tại về cách kết nối hai tâm hồn (truyện "Cả khi thành tro bụi, vẫn thổi về phương anh"). Hay thậm chí từ câu chuyện thả lồng đèn trời ở Thái Lan để chiêm nghiệm về triết lý "Lửa đã cháy bỏng đến độ buộc phải buông, cũng như nỗi đau này, cứ đau đến tận cùng, tự khắc biết cách từ bỏ" (truyện "Lỗi hẹn với Thiên đăng").
Trên hết, “Đường hai ngả, người thương thành lạ”, như chính tác giả chia sẻ: “Là tất cả những gì mà bản thân muốn viết cho một người-thương-đau-nhất. Một người mà mỗi lần nghĩ về là ngay lập tức lại nghĩ về những ký ức dịu dàng nhất, dẫu cho rằng chỉ là sự dịu dàng thoáng chốc để khỏa lấp một nỗi đau đong dài… Nhưng nhớ cho rằng, Trái đất vẫn quay - không vì một ai mà dừng lại. Có thở dài, có buông tay, có khóc như trẻ dại thì sáng mai khi Mặt trời thức dậy, chúng ta vẫn phải bước tiếp trên con đường còn quá rộng dài đã chia làm hai...”.
***
Hãy lắng nghe những tâm tình trong Đường hai ngả, người thương thành lạ:
1/ Càng quen biết và thân thiết nhiều người, càng đi đến và thấy được nhiều nơi, tôi lại càng chỉ muốn ở bên cạnh một người và thân gần với người ấy đến chung thân cuộc đời. Vì đời rộng quá, người nhiều quá, đi cứ loanh quanh, gặp cứ xô bồ, cuối cùng chỉ có duy nhất một người để yêu trên thế gian.
Một người khác hẳn những mối quan hệ xôn xao huyên náo. Một người khác hẳn những phù phiếm cám dỗ ồn ào. Một người như hoa rơi xuống đất, gió rớt lòng hồ, tuyệt nhiên không để lại tiếng động gì, nhưng đủ làm mặt đất khô khốc nảy mầm khoe sắc, đủ làm mặt hồ sóng sánh gợn nước xôn xao. Một người đến rất nhẹ nhàng, yêu rất bình thản, thở cạnh bên mình rất yên an - một người duy nhất để yêu trên thế gian... (Trích “Anh sẽ yêu em trong bao lâu?”)
2/ Ai rồi cũng phải đôi lần bước qua những khoảng-trống-không-nhau để biết niềm đau là một thứ có thật, và hạnh phúc chật vật lắm mới len lỏi nương mình giữa vô chừng nước mắt rơi. Nước mắt - dù là của kẻ ở hay người đi - thì bao giờ cũng mặn. Nụ cười - dù là của ngày cũ người xưa hay tự mình mỉm cười mỗi khi nhớ về - thì bao giờ cũng ấm áp. Biết rằng trong phần đời của nhau, đã từng dành những ngọt ngào ngắn ngủi và mặn đắng hiếm hoi cho riêng một kỷ niệm của chung hai đứa. Vậy là đủ. (Trích “Em biết làm gì với ngần ấy nhớ thương?”)
3/ Hãy cứ mỉm cười vì đã-từng-có, chứ đừng khổ lụy vì phải-mất-đi. Suy cho cùng, có đau lòng đến mấy thì nỗi buồn cũng chỉ trong một sát na chóng qua, cái mà ta còn lại là cả một cuộc đời đăng đẳng chờ trái tim đập tiếp những nhịp yêu thương phía trước. Như ly nước đầy có bị đổ cạn, thoạt nhìn vào tưởng ly rỗng không nhưng thật ra khi ấy, nó lại đầy không khí. Vạn vật vốn dĩ đều có thứ thế chỗ dành sẵn cho riêng mình. Trái tim không còn dành cho người này, tự khắc sẽ đến lúc đầy đặn dành cho một người khác. Quan trọng hơn cả là chính ta cần phải can đảm đổ cạn thứ nước nguội lạnh trong ly để tĩnh tâm đón đầy không khí lành yên trong suốt. (Trích “Ba lần là Duyên. Ba người là Nghiệp”)
4/ Đàn ông - trải qua bao nhiêu cuộc tình, có khi tự mình phụ bạc bỏ người, có khi ngơ ngác bị người bỏ mình - rốt cục chỉ cần lúc hoàng hôn tắt nắng, quay về nhà thấy có người đợi sẵn để cùng ăn một chén cơm nóng bất kể dở ngon, bất kể hờn giận vẫn nhẫn nại ngồi cùng bàn nhìn nhau bằng thứ tình thương nghĩa nặng.
Đàn bà - khóc cười bao lần vì những người đến đi không thể giữ, cuối cùng lại cảm động duy nhất bởi chàng trai lẳng lặng mở sẵn cặp gác chân mỗi lần mình lên ngồi sau xe.
Hạnh phúc, hóa ra chỉ cần giản lược và tri túc thế thôi. Mà sao chúng ta cứ phải đi một đoạn đường thật dài, thật phù phiếm lầm lạc, trải qua bao lần mất mát và rời tay, mới có thể nhận ra điều chúng ta cần nhất chỉ đến duy nhất một lần trong đời dưới hình hài dung dị - mà vô tình hay kiêu hãnh, ta để mặc chúng lơ đãng trôi qua, một mình, dưới gót chân vội vàng coi khinh. (Trích “Những hạnh phúc bình thường lúc tựa vào người thương”)
5/ Đôi khi, chúng ta không cần danh phận, chỉ cần bổn phận...
Ràng buộc nhau bằng hai tiếng "người yêu" hay "vợ chồng" gì chăng nữa cũng không bằng một cái nắm tay thật chặt lúc người kia đang say hoặc đang sai. Người say thì dễ loạng choạng lạc đường, người sai thì cần ai đó tha thứ và cầm tay chỉ lại cho đúng.
Bởi mới nói, danh phận nhiều khi chỉ để làm kiểng trưng bày cho đẹp mắt thiên hạ, chứ chẳng thể hạnh phúc bằng những mối quan hệ không cần khoe ra nhưng vẫn đủ đầy bổn phận yêu thương dành cho nhau.
Tôi không cổ súy những cuộc tình tay ba khi mà kẻ đến sau được yêu hơn người đến trước. Tôi cũng không giễu cợt những mối tình khắng khít gọi nhau bằng thứ danh phận rõ ràng nhưng thực chất tình cảm đã cạn cợt. Tôi không bi quan, cũng không lên án gì cả, mà đơn giản, tôi nghĩ rằng đừng đòi hỏi vị trí danh phận bằng những tiếng gọi nhau âu yếm, trước khi thấu được hết sự thiêng liêng nặng nề của hai từ bổn phận. (Trích “Anh sẽ yêu em trong bao lâu?”)
***
“Đường hai ngả, người thương thành lạ” được Nhà xuất bản Hội Nhà Văn xuất bản, Công ty văn hóa Phương Nam phát hành rộng rãi đến bạn đọc trên toàn quốc vào giữa tháng 9/2013. Nhân dịp phát hành, vào lúc 15g ngày 21/9/2013 tại Nhà sách Phương Nam Vincom TTTM Vincom (tầng B2) – 72 Lê Thánh Tôn – Q1 – TP. Hồ Chí Minh, công ty văn hóa Phương Nam sẽ tổ chức buổi ra mắt sách và giao lưu cùng tác giả trẻ Anh Khang.
Đặc biệt, Anh Khang sẽ dành tặng postcard & móc khóa cho độc giả mua sách trong buổi giao lưu này!
*Thông tin tác giả:
Trước “Đường hai ngả, người thương thành lạ”, Anh Khang đã khá thành công với tập tản văn tản văn "Ngày trôi về phía cũ". Tuy là cuốn sách đầu tay của anh nhưng tác phẩm ấy đã tạo nên một cơn “sốt sách” khi tái bản liên tục đến lần thứ 4, khiến cái tên Anh Khang ghi dấu trong lòng độc giả xa gần trên cả nước như một tác giả trẻ với những trang viết đầy cảm xúc. Ngoài ra, trong một chương trình giao lưu Hội sách Online 2012 với sự góp mặt của nhiều cây bút trẻ trên văn đàn, độc giả trang web tiki.vn đã bình chọn và gọi anh là “Nhà văn trẻ đẹp trai nhất Việt Nam”.
Xuất thân là một học sinh chuyên Văn của Trường Trung học Phổ thông Chuyên Lê Hồng Phong TP.HCM, Quách Lê Anh Khang được nhiều bạn bè đồng trang lứa biết đến với các thành tích nổi bật như Huy chương vàng Olympics Truyền thống 30/4, Thủ khoa kỳ thi Học sinh Giỏi Thành phố, Giải III Học sinh Giỏi Quốc gia và được tuyển thẳng vào Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM. Trên nền tảng đó, Anh Khang đã tiếp tục rèn luyện ngòi bút trong những năm tháng là sinh viên khoa Báo chí và Truyền thông của trường bằng việc trở thành cộng tác viên thường xuyên cho nhiều tờ báo. Ngay từ khi còn trên ghế giảng đường, anh đã là cây bút quen thuộc với nhiều độc giả của báo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần. Đây cũng là tờ báo anh đã công tác trong hơn 4 năm trước khi chuyển sang phụ trách biên tập cho tạp chí Her World và Mốt & Cuộc Sống.
Vừa là phóng viên, vừa công tác trong lĩnh vực PR – Marketing, thỉnh thoảng Anh Khang còn lấn sân sang vai trò người dẫn chương trình và sáng tác nhạc. Vì “ôm đồm” nhiều việc như thế mà mọi người đã gọi tác giả trẻ này bằng biệt danh “Tắc kè đa tài” (như tên một bài báo từng viết về anh).
ĐƯỜNG HAI NGẢ - NGƯỜI THƯƠNG THÀNH LẠ
Tặng 300 chữ ký tác giả cho 300 khách hàng đầu tiên
Đôi lúc tôi nghĩ, muốn hiểu về tình yêu, hãy cứ nhìn vào những con đường. Đường sáng sớm tinh mơ, trong lành và khôi nguyên như lòng son trẻ mới bước vào yêu. Đường chiều giờ tan tầm, chen chúc bộn bề như hai kẻ độc hành phải vượt qua đủ mọi ngột ngạt để kiếm tìm và giữ lấy nhau. Đường đại lộ thênh thang của tình nhân những ngày mở rộng lòng đón yêu thương xứng đáng nhất. Đường đêm vắng dịu dàng, bình yên như đôi lứa bạc đầu tựa vai nhau bước qua những ngọn đèn vàng vọt theo tháng năm.
Và đường một chiều như những tình yêu đã cũ. Khi bước qua rồi không còn cách nào quay trở lại. Có ngoái đầu trăm lần cũng chỉ thấy một đoạn tình bất khả vãn hồi. Đoạn đường và đoạn tình, vì lẽ đó, mà giống nhau đến lạ.
Giữa điểm đi và điểm đến là quãng đường. Còn giữa chia ly và gặp lại, là cả một quãng đời. Đường đi dẫu dài nhưng bước hoài rồi cũng tới nơi, nhưng ta phải sống thêm bao nhiêu cuộc đời, mới đợi được người trở lại?
Câu trả lời đối với một số người, có lẽ là không bao giờ. Bởi có những mối quan hệ mà một khi đã quay lưng lại với nhau thì không thể nào cứu vãn. Đơn giản vì chữ Duyên là một thứ có hạn kỳ. Mà Duyên giữa người với người lại càng chóng cạn, chẳng biết níu giữ bằng cách gì khi lòng đã muốn quay đi. Cái giá cho một lần quay lưng, đôi khi phải trả bằng cả đời đơn độc và lem nhem trong tối. Chuyện cũ như khói. Một lần quay lưng, phủi tay xua mất. Người đi thản nhiên chối bỏ. Chỉ còn đó Thương Nhớ vẫn nhẫn nại hồi sinh...
Tôi tin rằng ai trong chúng ta cũng đôi lần bước chung đường với một người thương ngắn ngủi, rồi rẽ về hai hướng khác nhau. Để rồi một ngày bất giác quay đầu lại, thấy con đường một chiều dẫn ngược về thương nhớ cũ hiện ra và miền ký ức thấp thoáng phía xa như đang nối gần tất cả. Đường xưa vẫn đó - dẫu đề biển cấm quay ngược, dẫu khó về thăm một lần - nhưng còn gần trong tiềm thức. Còn người, một khi đã xa rồi, thì sẽ là xa mãi, chỉ hai đầu nỗi nhớ kéo dài thêm.
Chỉ một con người, chỉ một con đường, mà nhớ nhung dai dẳng đến tận nhiều năm sau đó. Ta dây dưa mất cả một đời. Người đang tâm bước qua một thời.
Ai cũng có một thời trẻ dại - vâng, vì trẻ nên dại!
Ấy vậy mà nếu được trở lại, vẫn sẽ chọn lựa nguyên vẹn những ngộ nhận ngày xưa. Y hệt như mình đã từng. Không phải vì cố chấp với nỗi buồn hay kiên chịu với sai lầm, mà bởi vì ai trong cuộc đời rồi cũng sẽ làm tổn thương ta, quan trọng ta phải biết ai là người-xứng-đáng để mình cam tâm nhận về nỗi đau ấy. Vì nếu không có thứ cảm xúc hao hao yêu thương đó, không có một người để mình lầm tưởng là-duy-nhất đó, thì làm sao chúng ta biết được mình đã có những ngày-từng-trẻ và trong lành như những cơn mưa đầu mùa năm ấy?
Ít ra sau này, nhớ về khoảng thanh xuân, cũng có thể mỉm cười: Tôi đã sai, tôi đã từ bỏ, tôi đã can đảm bước qua, nhưng chưa bao giờ tôi hối tiếc - dẫu người bây giờ xa lạ hơn cả mây trời sau mưa rơi tan thành nước xuôi dòng vào bể lớn.
Rồi sẽ có những buổi chiều, chúng ta đứng bên hiên nhà, nhìn cơn mưa đi qua và nhận ra có những điều thiết tha đến mấy cuối cùng cũng chỉ như cơn-mưa-đi-qua. Nghĩa là ướt mèm đó, là lạnh cóng đó, là lê thê hy vọng đó, nhưng rồi ngớt mưa, khô người, bạn bước ra, trời ráo hoảnh. Mưa qua là hết, người qua là lạ. Đến cả yêu thương từng ngỡ là duy nhất rốt cục trở thành dửng dưng cạn cợt như vũng nước đọng lấp xấp vỉa hè, vô tình ai đó đi ngang giẫm vội khiến văng tung tóe, chỉ đổi lại vài cái cau mặt, lắc đầu và vẫy tay phủi nước. Tuyệt nhiên, nó không thể làm bạn ướt người yếu lòng thêm một lần nào nữa. Không-bao-giờ.
Khi cơn mưa đi qua... Những xót xa lẫn thiết tha, đều tan thành nước loãng, nhạt thếch, trôi ra biển cả.
Nhưng những ngày từng trẻ đó, tôi đó, người đó, dù sao, cũng cảm ơn một nỗi xao lòng...
Anh Khang - 2013
Đường hai ngả người thương thành lạ
Một năm sau khi ra đời tập tản văn đầu tay “Ngày trôi về phía cũ” với lượng tái bản lên tới 20,000 bản, Anh Khang tiếp tục trình làng tập truyện ngắn “Đường hai ngả người thương thành lạ”. Cuốn sách thứ hai mới chỉ nằm ở dạng bản thảo, đã trở thành sách best seller có đơn đặt hàng gần chục ngàn bản ngay từ khi chưa phát hành.
Lãng mạn, tha thiết, đẹp và buồn là cảm giác chung khi chạm tay vào tập truyện ngắn. Anh Khang là vậy, các trang viết của tác giả trẻ này luôn mang một nỗi buồn vương vất. Nó làm tôi nhớ lại câu hỏi cắc cớ của MC trong chương trình giao lưu cuốn sách đầu tay của Khang: Một cuốn sách chỉ chứa đựng nỗi buồn, vì sao lại phải mua ?
Và đến cuốn này, một tập truyện chỉ để nói về sự chia ly. Mười một truyện ngắn, mười một câu chuyện về chia li: Những ngón tay không còn đan chặt nữa; Cả khi thành tro bụi, vẫn thổi về phương anh; Em biết làm gì với ngần ấy nhớ thương? Tình yêu Nhật thực, Ba lần là Duyên - Ba người là Nghiệp, Lỗi hẹn với Thiên đăng; Những hạnh phúc bình thường lúc tựa vào người thương; Anh sẽ yêu em trong bao lâu? Khóc không ngừng được; Thương người ở lại. Chờ chi hoài người đã rời tay?
Và sự chia li có nhiều lý do lắm.
Đó có thể là lúc An nhận ra cô và anh “Những ngón tay không còn đan chặt nữa” và cũng chẳng vừa khít bao giờ. Vì trên ngón tay áp út của người đàn ông cô thương là chiếc nhẫn cưới choán gần hết chỗ cho ngón út nhỏ nhoi của cô có thể nép vào. Bởi vì “ngay từ khi bắt đầu, cả hai đều hiểu sự gặp gỡ của họ là một sai lầm của duyên phận. Anh đã có gia đình, một chốn bình yên ấm êm và hoàn chỉnh, một ngôi nhà không có bất kỳ sai số nào trong bản vẽ công trình – ngoại trừ sự xuất hiện của cô”. Trong vòng tay của chồng–người-ta, An tự giăng mắc mình trong một mớ hỗn độn của một kẻ tự mua dây buộc mình, thứ bình yên tạm bợ. Trước mặt cô là đoạn đường hun hút cho những nỗi đau cho một người đến sau đã muộn. “Ngả vào bờ vai, ai ngờ bờ vực”.
“Cả khi thành tro bụi, vẫn thổi về phương anh” là một cái kết buồn của nhân vật xưng Tôi và cô gái mang tên loài chim Thiên Di. Cuộc sống của Di là những chuyến đi. Cô ao ước một lần đắm mình trong hoàng hôn ở Giza – Nơi các Pharaoh chọn xây chốn yên nghỉ vĩnh hằng. Theo một tổ chức từ thiện, Di đi, để lại một người mà cảm xúc của anh chưa đủ gọi thành tên, chưa một lời yêu thương, chưa một lần tìm tay níu lại. “Đề tặng cho anh, cho lời hứa bất thành của tuổi trẻ hai đứa mình”... là lời đề tặng trên cuốn sách mà Di là tác giả. Cô viết để dành riêng cho anh.
Vội vã bay tới Gazi nhưng anh không còn một lần nào được gặp Di nữa. Tro cốt của cô được người bạn rải trên dòng sông Nile để cô từ nay tự do giữa thung lũng Gazi ngắm hoàng hôn vào mỗi buổi chiều.
Một viên đạn lạc trong một cuộc bạo động đã cướp tính mạng Di khi cô băng qua dòng người hỗn loạn để bế một em bé đang hoảng sợ.
Ngồi cạnh sông Nile lao xao nước chảy Tôi chợt nhận ra: “Hóa ra đau lòng nhất không phải là khi chúng ta bội ước quên hẹn, mà là khi lời hứa đã được làm tròn, còn tụi mình lại khuyết mất nhau. Nấc khẽ, tôi mấp máy môi, chỉ thốt được thành tiếng gọi: “Di ơi!”
“Còn gì tủi thân hơn khi ngồi khóc trước mặt người yêu cũ, vì một người yêu cũng vừa-trở-thành-cũ”. “Không ngừng khóc được” lại là một cung bậc khác của chia li. “Người ta buông tay bỏ đi, mình buồn đã đành. Đến lượt chính mình tự buông tay với những cảm xúc đã-từng-riêng-dành cho họ, sao cũng buồn đến vô chừng vậy nè, tay ơi?”
Chia li chưa bao giờ là dễ dàng. “Cả một trời yêu, bao giờ trở lại?” chắc chỉ có trong nhạc trong thơ.
“Ta làm sao níu lại cho một lần buông tay...?”
Trở lại câu hỏi đầu tiên: Vì sao phải mua cuốn sách?
Vì nỗi buồn là báu vật của nhân gian.
- Anh Khang
- NXB Hội Nhà Văn
Sản phẩm này chưa nhận được đánh giá nào. Bạn hãy là người đầu tiên đánh giá nhé!