Sài Gòn Chuyện Tập Tàng - Nàng Cơm
Sài Gòn Chuyện Tập Tàng - Nàng Cơm
"Nàng Cơm - Gọi tên nàng yêu dấu
Cơm – chắc chắn phải kêu là nàng rồi, vì những lý do lý sự... xạo sau đây, thưa bà con cô bác.
Thứ nhứt là:
Vì em là một bài thơ
Vì em là một giấc mơ khôn cùng...
Hồi mà tới cái tuổi biết xao động con tim, Lade tui hay đó đây lang thang, bay nhảy. Như vậy thì chỉ có “cơm hàng cháo chợ” mà thôi. Một bữa, giữa... lò lửa quán cơm mà chợt thấy mát rượi con mắt y như “Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát...” (Áo lụa Hà Đông – nhạc Ngô Thụy Miên, thơ Nguyên Sa), một... “đóa hồng bông hậu” hiện diện ở đây chứ sao nữa. Rồi từ đây Lade tui “trồng cây si” nơi này, quán cơm có người đẹp tuyệt mỹ ai mà hổng thấy ham, và mượn hai câu thơ trên trong bài Vì em của ông thi sĩ Nguyễn Bính mà biên đầy trên các bàn ăn, gởi tặng... nàng Cơm. Tui đặt tên cho nàng bán cơm như vậy.
Dẫu rằng “trồng si” khá lâu nhưng chỉ làm nàng Cơm, “Ôi có đôi khi thèm như gió đi hoang. Sống kiếp lang thang, dạo chơi khắp núi rừng...” (Có đôi khi – Lã Văn Cường), cô nàng đôi khi xiêu xiêu lòng, lây cái máu lang bạt kỳ hồ của Lade tui mà thôi. Cuộc tình mãi đơn phương bởi cái tánh cà rửng, cà tửng thì mần ăn ra làm sao, ai mà tin nổi. Tuy vậy cũng không để lại “ân oán giang hồ” chi, kết thành bạn bè, vẫn mãi là nàng Cơm.
Nói về các “đóa hồng bông hậu” không thua gì các nàng hoa hậu chính danh mà chỉ bán cơm bán nước ở Sài Gòn thì có hà rầm, kể sao cho xiết.
Đất Sài Gòn nhiều thứ ngộ lắm.
Nhiều người đẹp thiệt là đẹp, duyên dáng, vui vẻ tươi cười bên hàng quán, khoe sắc với khách hàng chứ: “Thi thố mà mần chi, hổng ưng, hổng thích...”, và “Nghề nào cũng là nghề, chẳng có nghề nào thấp kém, hèn hạ chi hết, chỉ có ăn trộm ăn cướp, lừa đảo mới đáng xấu hổ, nhục nhã”. Thiệt tình, ít tự ái mà không thiếu tự trọng đâu nghen. Hơn nữa, còn có trình độ chớ có giỡn chơi. Chẳng hạn như, một số người đẹp học hành đỗ đạt đàng hoàng, đi làm lương hướng thấp quá, lây lắt sống mệt mỏi, thôi thì nghỉ ở nhà buôn bán. Một số nàng thi thố, có vương miệng lấp lánh xong... cất và cũng mở quán, nhưng thường là quán lớn, sang trọng. Việc này cũng hay chứ bộ, tới cơm nước được ngắm nhơn sắc mỹ miềuthì ăn uống càng ngon thêm lắm lắm!
Nhiều quán cơm có người đẹp thì nhiều anh chàng gọi nàng Cơm như Lade tui đâu có gì lạ.
Thứ nhì là:
Cơm được nấu từ gạo, gạo xay ra từ lúa, là thức ăn chánh của người Việt ta. Bữa bữa, ngày ngày, tháng tháng, năm năm, cơm đều đều hiện diện trên mâm, gọi hẳn là mâm cơm luôn cho dù có nhiều món khác. Cơm như người yêu dấu vậy. Nên từ xa xưa, ông cha ta đã đặt cho lúa gạo tên chung là Nàng với kèm những tên riêng, Nàng Hoa, Nàng Xuân, Nàng Sen, Nàng Sậu, Nàng Hương, Nàng Thơm, Nàng Thướt, Nàng Ba, Nàng Yến, Nàng Yếu, Nàng Cóc, Nàng Chồn, Nàng Cho, Nàng Nhen, Nàng Quớt, Nàng đối lập với “nàng bưởi Năm Roi” là Nàng... Lép... Nàng Lép này đem đi giê, đi sảy chẳng bao giờ bay, chỉ có hột lúa lép thiệt mới “chia tay” khỏi thúng khỏi nia.
Hai thứ trên đủ lấy búa nện đinh vô cột, chắc ăn là nàng Cơm hén.
Nói chuyện cơm, trở lại gặp nàng Cơm là chuẩn xác, Lade tui lâu lâu xin chua thêm vài câu góp nhặt và vài chuyện của người khác. Cuộc trò chuyện lần này có thêm mấy người bạn. Đó là Nàng Thuận và Chàng Nghịch. Nàng Thuận thì dễ thuận tình chỉ hay thắc mắc, hay hỏi. Chàng Nghịch thì chuyên ‘thọt gậy bánh xe’."
- Lê Lade
- NXB Văn Hóa - Văn Nghệ
Sản phẩm này chưa nhận được đánh giá nào. Bạn hãy là người đầu tiên đánh giá nhé!