Triền Đời Lộng Gió

Mới đó mà tôi đã gắn bó với miền đất phên giậu Tây Ninh này ngót bốn lăm năm. Ngày ấy, vì nhiều lý do mà ba má tôi phải rời Sài thành, đem cả gia đình lên vùng kinh tế mới Tha La này lập nghiệp. Hai chữ Tha La ngày ấy vừa xa lạ vừa rùng rợn, bởi xung quanh ba mặt là rừng hoang suối vắng, vượn hú chim kêu. Ở nơi đây tất cả mọi thứ đều thiếu thốn, chỉ duy cái dư dả đó là chút tình người của những sinh phận tha hương.
Tôi bước qua tuổi thơ với những chuỗi ngày đói kém, má tôi cháy hết cả thanh xuân với đám lúa rẫy mất mùa, ba tôi thì chịu không biết bao lần sốt rét hoành hành với cái nghề lúc phá sơn lâm khi đâm hà bá. Tất cả chỉ vì miếng cơm manh áo mà bao lớp người phải chịu vất vả mưu sinh. Nhưng những năm tháng cơ cực ấy đã nuôi tâm hồn tôi lớn dần lên cùng với bao nỗi niềm trắc ẩn. Và tôi đã đi, tôi đi mãi đi hoài trong bức tranh quê lẫn lộn giữa hai màu tối sáng.
Dòng Tha La chính là nơi cho người dân quê tôi nương náu từ thuở khai hoang cho đến tận bây giờ. Bên dòng suối này không biết là bao nhiêu câu chuyện đã xảy ra, vui cũng có mà đớn đau cũng có. Mấy mươi năm tôi sống ở đây là cũng ngần ấy thời gian mà tôi lặn hụp để chắt lọc và vớt lại những mảnh vụn của tâm hồn mà ai đó bỏ quên, thậm chí bị dạt trôi theo bao mùa con nước.
Mười chín truyện trong Triền đời lộng gió hầu hết là những đoản khúc tâm tư tuy xa vời nhưng vẫn còn nguyên vẹn. Bởi vậy nên tôi chỉ đơn giản sống lại với nó chứ không thích cầu kỳ hóa nó. Cũng như cái mục đích viết của tôi là không phải để trở thành nhà văn, mà để lưu giữ ký ức, lưu giữ cho mình, cho người và cho cả quê hương. Vì mai này sẽ lắm sự đổi thay.
- Đào Thái Sơn
- NXB Tổng Hợp TP. HCM